Huyện Bắc Hà đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như huy động tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án 135, 30a, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới với nguồn vốn tín dụng chính sách.
Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã có trên 5.000 lượt hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn được vay vốn chính sách với số tiền 106 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lên 358 tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với lợi thế từng vùng miền, với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nguồn vốn chính sách đã góp phần tạo ra màu xanh bạt ngàn chè tuyết san, quế hồi, ngô lai, lê đào… dọc tỉnh lộ 153 vào các xã Na Hối, Bản Phố, Lùng Phình… Không chỉ xung quanh thị trấn huyện lỵ, đến các vùng sâu như Bản Liền, Nậm Khách, Nậm Đét… đều thấy việc sử dụng đồng vốn chính sách của người dân để thâm canh đồng ruộng, đồi rừng, phát triển chăn nuôi trâu bò, ngựa…để sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Ngày nay, bộ mặt vùng cao Bắc Hà đổi thay không ngừng. Về Na Hối là xã vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn của huyện nhờ nguồn vốn chính sách đã mở rộng diện tích thâm canh năng suất 4 loại cây trồng chủ yếu là ngô lai, lúa thơm, đậu tương cao sản, mận tam hoa. Tiêu biểu có chị Síu Thị Thu, dân tộc Mông, ở thôn Sín Chải A là người được vay vốn chính sách của các chương trình tín dụng hộ nghèo, vốn dành cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Chị Thu đã đầu tư mua cặp trâu cày kéo, trồng cây thuốc Atiso, thoát cảnh nghèo túng, làm được căn nhà gỗ 3 gian thoáng đãng. Mới đây, chị Thu còn tiếp tục được vay vốn ưu đãi của NHCSXH để cải tạo đất, mở rộng diện tích trồng trọt. Hiện gia đình chị có 4.000m2 đất trồng 260 gốc mận tam hoa, nuôi 36 con lợn, 50 con gà… thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng/năm. “Trước đây gia đình khó khăn lắm. Nếu không có vốn vay từ NHCSXH, nhà tôi không có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay”, chị Thu xúc động nói.
Còn ở Tà Chải, một xã khó khăn điển hình của huyện Bắc Hà, có 234 hộ dân, nhưng trong đó có đến 175 hộ thuộc diện nghèo, thiếu vốn sản xuất. Trước kia, người dân Tà Chải chủ yếu trồng cây lúa nương nay đã mạnh dạn vay vốn chính sách chuyển đổi sang trồng giống cây ăn quả ôn đới, trong đó có cây lê Tai Nung nhập từ cộng hòa Pháp về. Cây lê Tai Nung sau khi trồng, chăm sóc khoảng 3 năm thì cho thu hoạch, mỗi cây từ 25 kg quả, tính trung bình mỗi ha đạt năng suất khoảng 50 tấn, trị giá 800 triệu đồng/ha. Hiện tại Tà Chải có hơn 100 hộ nông dân là người Mông, Tày, Nùng trồng được 89 ha trên triền đất dốc. Chủ trương của huyện Bắc Hà là sẽ mở rộng vùng cây ăn quả lê Tai Nung lên 1.000 ha ở 6 xã và phát triển mạnh nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó cây mận Tam hoa truyền thống và cây ăn quả ôn đới, cây thuốc Atiso là mũi nhọn để xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tại thôn Na Hồ, xã Tà Chải, có gia đình ông Vàng Văn Mạnh, tuổi ngót lục tuần, vốn hàng chục năm liền “đổi sổ” danh sách hộ nghèo. Từ khi vay được tiền của NHCSXH, cộng thêm việc tham gia dự án “trồng cây ăn quả ôn đới” ông đã cải tạo ruộng vườn để trồng táo lê và nuôi lợn sạch. Thu nhập từ vườn cây, chuồng trại, vợ chồng ông đã trả hết nợ vay ngân hàng, rồi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ tấm gương vợ chồng ông Mạnh, nhiều hộ ở xã Tà Chải đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thâm canh ngô lai, trồng mận Tam hoa, lê Tai Nung, đào Pháp, trồng cỏ VA06 để nuôi trâu bò nhốt chuồng… tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Năm 2021, riêng thôn Na Hồi có 14 hộ đã viết đơn tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Chủ tịch UBND xã Tà Chải, ôngVàng Văn Khương phấn khởi cho biết: “Năm 2011, toàn xã có 38 hộ tự nguyện ra khỏi hộ nghèo, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm cao trong xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ cái đà này, chúng tôi dấn lên, đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 6 đến 8% hộ nghèo, đạt từ một đến ba tiêu chí nông thôn mới, dẫn đầu toàn huyện.”
Giám đốc NHCSXH Lào Cai, ông Nguyễn Hải Hà đánh giá những nỗ lực của Bắc Hà cũng thêm rõ khi đặt trong bối cảnh một huyện vùng cao có nhiều xã, thôn bản đặc biệt khó khăn nhưng NHCSXH đã chủ động khai thác, tranh thủ các nguồn vốn, tạo bước đột phá trong tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Đây chính là nền tảng cho việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách hiệu quả, sâu rộng hơn, giúp cho hộ vay vốn cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hàng năm ở vùng miền núi dân tộc, cũng như giúp Bắc Hà phấn đấu cuối năm nay ra khỏi danh sách huyện nghèo 30a của cả nước.