Giữa mùa khô Tây Nguyên, hàng trăm ha rừng thông ở huyện Kon Rẫy vẫn xanh mơn mởn, mặc cho cái nắng nóng thiêu đốt đám cỏ tranh dưới tán thông. Những ngọn đồi cao trước đây khô cằn, trơ trụi ở xã Đăk Côi, đèo Măng Đen… nay đã được phủ một màu xanh mướt. Đó là công sức nhiều năm trời của cán bộ và cộng đồng nhận trồng và chăm sóc rừng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy.
Theo ông Vũ Hồng Huy, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy, trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn 2014 – 2020, Công ty đã tổ chức trồng rừng tập trung trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc trên toàn lâm phần. Hiện đơn vị đã trồng trên 600 ha rừng thông 3 lá, tập trung chủ yếu tại địa bàn xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy. Cùng với các diện tích rừng trồng trước đây, diện tích rừng trồng trên toàn lâm phần của Công ty đã có trên 1.300 ha, chiếm khoảng 5% tổng diện tích toàn lâm phần. Trong năm 2020, đơn vị tiếp tục thực hiện kế hoạch trồng rừng với diện tích 35 ha.
Công cuộc trồng rừng đã khó, bảo vệ và giữ màu xanh của rừng trồng ở tỉnh Kon Tum cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vị trí rừng trồng nằm giáp với rẫy dân nên rất dễ bị tác động. Đặc biệt, những diện tích rừng trồng chủ yếu là thông ba lá, hệ thực bì dưới tán rừng thông dày và dễ phát cháy vào mùa khô hạn. Vì vậy, để những diện tích rừng trồng phát triển tốt, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo lá phổi xanh trong tương lai đòi hỏi cần rất nhiều tài - vật lực và con người.
Ông Vũ Hồng Huy cho biết: Đối với diện tích rừng trồng trên lâm phần, mặc dù không phải lớn, tuy nhiên đa số nằm giáp ranh và gần nương rẫy và làng, bản của người dân, nên công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được đơn vị hết sức chú trọng. Hằng năm, đơn vị đã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng để phê duyệt triển khai thực hiện xuyên suốt, trong đó đã tập trung các giải pháp phòng và chữa cháy rừng trồng, có thể kể đến như: Tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng các cấp; thành lập các Tổ, Đội quần chúng phòng cháy, chữa cháy rừng tại các Cộng động nhận khoán trên lâm phần; Xây dựng đường băng trắng cản lửa; Hợp đồng thời vụ làm công tác phòng cháy chữa cháy rừng với người dân địa phương (trung bình 15 người/mùa khô)…
Không chỉ góp phần phát triển rừng bền vững, tăng độ che phủ, công tác trồng rừng còn mang đến nguồn thu nhập chính đáng cho nhiều hộ dân, nhất là hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hộ anh A Tin- xã Đăk Côi, là một trong những hộ dân được thụ hưởng từ việc nhận trồng và chăm sóc rừng. Anh A Tin vui mừng chia sẻ: “Năm 2018, gia đình tôi thu nhập thêm 20 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng trên diện tích rừng nhận khoán. Cũng nhờ vậy mà đời sống kinh tế của gia đình được cải thiện rõ rệt”.
Có thể thấy, công cuộc phát triển rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc ở tỉnh Kon Tum đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Không chỉ góp phần tăng độ che phủ rừng, cải thiện hệ sinh thái, từ công cuộc trồng rừng này nhiều hộ dân cũng đã có nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống, nhất là trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh Kon Tum đã trồng 71.405 cây phân tán; trồng mới 402,89 ha rừng tập trung, đạt 79% kế hoạch cả năm, nâng tổng số rừng trồng của tỉnh Kon Tum hơn 5.000 ha.