Với diện tích gần 420 km2, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh có nhiều lợi thế về giao thông để phát triển kinh tế và du lịch. Đặc biệt, đây là khu vực kết nối quan trọng trong hoạt động sản xuất, thương mại giữa hai tỉnh Gia Lai và Ratanakiri (Vương quốc Campuchia) nói riêng và giữa các nước trong khối ASEAN nói chung, thuận lợi để kết nối và trao đổi hàng hóa giữa các địa phương khu vực “Tam giác phát triển” với khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam.
Nắm bắt được yếu tố đó, tỉnh Gia Lai đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trong Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, với trục đường chính rộng 22m, đường nội bộ rộng 7,5m, tải trọng 30 tấn, kết nối trực tiếp với tuyến đường Quốc lộ 19. Cùng với đó, các nhà đầu tư có các dự án tại đây cũng nhận được nhiều ưu đãi về thuế suất hay giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất phi nông nghiệp,…
Là một trong bảy doanh nghiệp đầu tiên tại Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, Công ty TNHH MTV Quang Sáng Gia Lai có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là nhập khẩu các mặt hàng nông sản như đậu nành, sắn lát, hạt điều. Nhờ hệ thống giao thông thuận lợi nên việc vận chuyển hàng hóa của công ty cũng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng được tỉnh Gia Lai tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, bến bãi, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và bảo quản sản phẩm.
“Những năm trước, khi chưa có nhà xưởng, việc sản xuất hạt điều của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Do nắng nóng, nên việc tiêu hao luôn luôn xảy ra, với mức thiệt hại từ 5 – 10 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, cuối năm 2019, chúng tôi được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tạo điều kiện mặt bằng để xây dựng nhà xưởng, nên vụ sản xuất năm nay chúng tôi không bị hao hụt nữa, công nhân cũng được làm việc trong bóng mát, đảm bảo sức khỏe, năng suất lao động tăng”, ông Nguyễn Trọng Điểm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quang Sáng Gia Lai phấn khởi nói.
Trong khi đó, Khu Công nghiệp Trà Đa có diện tích 213 km2, cách trung tâm thành phố Pleiku 7km, với các lĩnh vực thu hút đầu tư như chế biến dược liệu, sản xuất phân bón, chế biến thực phẩm, chế biến công nghiệp tiêu dùng. Hiện nay, khu công nghiệp này có 56 dự án với tổng số vốn gần 2.200 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.302 tỷ đồng, kim nghạch xuất nhập khẩu năm 2019 ước đạt 62 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước 53 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động với mức lương bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng.
Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai là đơn vị mới tiến hành khởi công xây dựng nhà máy chế biến dược liệu Dona Pharm vào đầu tháng 3/2020 tại Khu Công nghiệp Trà Đa mở rộng. Với diện tích trên 10.000 m2, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng, khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ sản xuất 500 triệu viên thực phẩm chức năng, 500 tấn cao dược liệu/năm, góp phần tích cực trong việc phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung; từng bước đáp ứng nhu cầu về sức khỏe cho người dân thông qua các sản phẩm Cao dược liệu và thực phẩm chức năng.
Ông Nguyễn Hữu Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần Đông Nam Dược Gia Lai cho biết, trong quá trình xin chủ trương đầu tư dự án, đơn vị đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía tỉnh Gia Lai, rút ngắn thời gian xuống còn khoảng 6 tháng để trình dự án và xin các thủ tục hành chính liên quan, cũng như tạo mọi điều kiện về mặt bằng để doanh nghiệp xây dựng nhà máy.
“Việc rút ngắn được thời gian làm các thủ tục hành chính giúp cho doanh nghiệp chúng tôi hạn chế được thời gian đầu tư, các chi phí phát sinh ngoài đi kèm, đưa nhà máy nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương cũng như tạo doanh thu sớm cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hữu Khánh chia sẻ.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai, năm 2019, tỉnh Gia Lai đã chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự hấp dẫn, thuận lợi, thông thoáng, minh bạch và thân thiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, qua đó đã rút ngắn được thời gian xử lý trước hạn 30% so với quy định. Trong năm 2019, tỉnh Gia Lai đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký trên 210 tỷ đồng tại Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Khu Công nghiệp Trà Đa. Riêng đối với Khu Công nghiệp Nam Pleiku, dự kiến năm 2021 sẽ có đầy đủ mặt bằng, hạ tầng để cho thuê xây dựng các nhà máy.
Ông Phạm Văn Binh, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2020, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư với phương châm “Đoàn kết – Kỷ cương – Đồng hành – Hiệu quả” nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư; trong đó, ưu tiên thu hút các dự án có năng lực tài chính, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng nguồn nguyên liệu là thế mạnh của địa phương,…
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai sẽ tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp và khu kinh tế, vì đây là nền tảng trong chương trình xúc tiến đầu tư.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; rút gọn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục cản trở việc đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, bởi khi doanh nghiệp đến lập một dự án đầu tư, thì dự án này có thành công và hiệu quả hay không, sẽ phụ thuộc 90% vào năng lực thẩm định dự án của công chức Ban Quản lý Khu kinh tế”, ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh.