Chỉ sau 1 năm được công nhận là thành phố Sông Công, 02/8/2016 Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ra Nghị quyết 04-NQ/TU về việc định hướng thành phố trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Ông Lê Văn Khôi cho biết: Với mục tiêu tập trung đẩy nhanh tiến trình đô thị hoá thành phố, Ban chấp hành Đảng bộ chính quyền và nhân dân Sông Công trong thời gian qua đã nỗ lực phấn đấu triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là 9 chương trình đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2019.
Tín hiệu đáng mừng nhất là từ năm 2016-2018, tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế của thành phố luôn đạt bình quân 17% mỗi năm. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp xây dựng đạt 18%; giá trị sản xuất thương mại dịch vụ đạt 20% và lĩnh vực nông lâm nghiệp thuỷ sản đạt 6%. Được biết, trên địa bàn thành phố hiện đang có 02 khu CN tập trung là Sông Công I, Sông Công II và 04 cụm công nghiệp vừa nhỏ (Khuynh Thạch, Nguyên Gon, Bá Xuyên, Yên Lương) đang hoạt động rất hiệu quả với tổng số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương đạt 4.875 tỷ đồng. Đến năm 2018 đã đạt 6.889 tỷ đồng.
Là một thành phố công nghiệp đang trên đà phát triển, Sông Công đã thu hút lượng lớn người lao động, làm ăn buôn bán đổ về sinh sống. Trong giai đoạn 2016-2019, thực hiện chương trình huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, thành phố đã huy động được 3.900 tỷ đồng. Đặc biệt, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Thái Nguyên 2018, Sông Công đã có 12 dự án trong tổng số 65 danh mục dự án của tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư và 03 dự án đã được trao và ký biên bản ghi nhớ tại Hội nghị. Về phần mình, thành phố cũng chủ động kêu gọi, xúc tiến các hoạt động thu hút đầu tư. Tính tới hiện đại, đã có 48 danh mục thu hút vốn đầu tư với tổng số vốn đề xuất đầu tư lên tới 16.200 tỷ đồng. Trong đó, đã có 45 dự án có hồ sơ đề xuất khảo sát, nghiên cứu và đăng ký đầu tư gửi tỉnh và thành phố với tổng mức đầu tư 15.600 tỷ đồng. Thành phố thay đổi từng ngày qua từng dự án đô thị, khu đô thị và các khu liên hợp, khu tiện ích cùng với hệ thống điện đường trường trạm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong thời đại 4.0.
Chăm lo, đầu tư phát triển kinh tế và đô thị song không vì thế mà thành phố xao lãng công tác văn hoá - xã hội. Văn hoá là nền tảng. Kinh tế là điều kiện cần. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hoá" được triển khai rộng khắp, tới từng nhà, tổ, xóm dân phố. Nhà văn hoá được đầu tư, cải tạo khang trang, sạch đẹp. Các di tích lịch sử được tôn tạo. Nhiều thiết chế văn hoá được đầu tư xây dựng, chỉnh trang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân. Đề án xây dựng tuyến phố văn minh đô thị cũng đã được triển khai và đã có 9/16 tuyến phố được công nhận. Các cơ sở y tế, giáo dục không ngừng được đầu tư, đảm bảo 100% đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020.
Ba năm qua, sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố cùng sự đồng lòng của chính quyền nhân dân địa phương đã thúc đẩy các ngành kinh tế chủ yếu của Sông Công liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, văn hoá - xã hội phát triển ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tính tới thời điểm hiện tại, Sông Công đã đạt 90,55 điểm tiêu chí phân loại đô thị, đủ điều kiện để được công nhận là đô thị loại II.
Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, thành phố Sông Công về cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Diện mạo đô thị thay đổi đáng kể, rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn. Thu nhập bình quân của người dân năm 2018 đạt 90,7 triệu đồng/người/năm (cao gấp 1,55 lần so với mức thu nhập bình quân trong cả nước là 58,5 triệu đồng/người/tháng).