Phát triển bền vững các khu công nghiệp, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Thái Nguyên

Phát triển bền vững các Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu kinh tế (KCN) là động lực quan trọng đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH), tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã gặt hái được nhiều thành công về phát triển kinh tế - xã hội nhờ phát triển các KCN. Ở Việt Nam thu hút đầu tư, phát triển các KCN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước theo tinh thần Đại hội lần thứ VIII của Đảng. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiều chương trình kế hoạch về phát triển bền vững các KCN tạo tiền đề, nền tảng đẩy mạnh CNH,HĐH; thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Xây dựng hạ tầng KCN Sông Công 2 Thái Nguyên.

Thái Nguyên là một tỉnh thuộc trung tâm vùng trung du, miền núi phía Bắc và là tỉnh thuộc vùng Thủ đô, Thái Nguyên có nhiều điều kiện thuận lợi về địa, kinh tế, chính trị để thu hút đầu tư, phát triển bền vững các KCN phục vụ mục tiêu CNH,HĐH.

Với 6 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung với quy mô 1.420ha, để biến những quy hoạch thành hiện thực, được sự ủng hộ của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của tỉnh; Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về phát triển bền vững các KCN tạo động lực đẩy mạnh CNH,HĐH. Đến nay, toàn tỉnh có 5 KCN đi vào hoạt động, cuối năm 2018 các KCN đã thu hút được 200 dự án, trong đó có 105 dự án DDI với vốn đăng ký trên 15.000 tỷ đồng, 95 dự án FDI với vốn đăng ký 7,55 tỷ USD đạt 97,2% vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt may và các lĩnh vực đầu tư khác.

Trong số 200 dự án đã đăng ký đầu tư, đến hết năm 2018 có 130 dự án đi vào hoạt động, số dự án còn lại đang đầu tư xây dựng, các dự án này đã và đang khẳng định được vai trò trụ cột phát triển bền vững. Về phát triển kinh tế, tại các KCN trên địa bàn Thái Nguyên năm qua, công tác giải ngân vốn FDI đạt 6,81 tỷ USD bằng 90% tổng vốn đầu tư đăng ký, vốn trong nước giải ngân gần 9.000 tỷ đồng bằng 60% vốn đăng ký; doanh thu hoạt động quy đổi đạt gần 29 tỷ USD, giá trị sản xuất công nghiệp bằng 92% GTSX công nghiệp toàn tỉnh, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 25 tỷ USD bằng 98% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, nhập khẩu 12,88 tỷ USD; nộp ngân sách 6.900 tỷ đồng, chiếm  48% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh…

Cùng với những đóng góp về phát triển kinh tế, sự phát triển các KCN trên địa bàn cũng góp phần quan trọng trong phát triển xã hội khi giải quyết việc làm cho gần 120.000 người, với mức thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng, đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác; hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội như khu ký túc xá, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học, các khu tái định cư hiện đại, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa,...

Trong công tác bảo vệ môi trường, các KCN của tỉnh đã xây dựng được các KCN với kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đặc biệt các công trình về bảo vệ môi trường như hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống công viên cây xanh. Cùng với đó, các doanh nghiệp thứ cấp KCN đều có hệ thống thu gom xử lý nước thải nội bộ và các công trình bảo vệ môi trường đạt chuẩn... Các doanh nghiệp KCN đã dần thay đổi ý thức trách nhiệm, sản xuất kinh doanh gắn với tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.

Với những kết quả đáng khích lệ trong phát triển KCN trên địa bàn, có thể khẳng định việc phát triển bền vững các KCN có vai trò, động lực quan trọng đẩy mạnh CNH - HĐH, mở hướng cho Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững sánh vai cùng cả nước. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển bền vững các KCN trên địa bàn tỉnh cũng còn những tồn tại nhất định như: Chất lượng nhiều dự án đầu tư ở giai đoạn 2000- 2012 chưa tốt, hiệu quả kinh tế - xã hội tạo ra chưa cao, chưa tương xứng với mức độ khai thác và sử dụng nguồn lực; một số doanh nghiệp KCN có năng lực quản trị, điều hành sản xuất kinh doanh yếu, công nghệ lạc hậu, chi phí giá thành sản phẩm cao nên khả năng cạnh tranh thấp, dẫn đến thua lỗ kéo dài, thậm chí dẫn đến giải thể, ngừng sản xuất - kinh doanh, tốc độ chuyển giao công nghệ và các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị còn chậm… Một số doanh nghiệp KCN, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường chưa cao, chưa đầu tư các công trình bảo vệ môi trường hoặc có đầu tư xây dựng nhưng không đúng báo đánh giá tác động môi trường được duyệt, xả thải trái phép ra môi trường, gây nên những bức xúc trong nhân dân. Vẫn có doanh nghiệp đã lợi dụng vào hợp đồng thử việc, hợp đồng đào tạo để trốn bảo hiểm hoặc cắt giảm tiền lương chính đáng của người lao động trong thời gian thử việc, ý thức chia sẻ trách nhiệm xã hội chưa cao, tính lương và chế độ chưa hợp lý khi tăng ca hoặc làm ca ba cho người lao động,…

Chú thích ảnh
Sản xuất linh kiện điện thoại thông minh tại KCN Điềm Thụy.

Để các KCN Thái Nguyên tiếp tục phát triển bền vững và là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH, trong thời gian tới Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Cấp ủy, Chính quyền tỉnh về ưu tiên tập trung nguồn vận động ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN để BTGPMB, tạo quỹ đất sạch gắn với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Cùng với đó, tỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển các KCN gắn với liên kết vùng và liên kết kinh tế, bảo đảm tính khả thi cao, rà soát đưa ra khỏi danh mục KCN  không khả thi, đề xuất bổ sung những KCN mới có lợi thế so sánh tốt, tính khả thi cao; Tăng cường quản lý Nhà nước đối với KCN, đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư gắn với mục tiêu thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, đề cao vai trò xúc tiến đầu tư tại chỗ gắn với tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đã đầu tư vào KCN…

Ban quản lý các KCN Thái Nguyên khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển dụng và sử dụng lao động tại các địa phương trong tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng và người lao động; hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đào tạo người lao động, xây dựng nhà ở cho công nhân…

Đối với công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá các quy định, thủ tục về bảo vệ môi trường theo hướng tiết giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực môi trường, đẩy mạnh việc phân cấp và ủy quyền trong giải quyết các thủ tục về môi trường; tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hạ tầng KCN và doanh nghiệp thứ cấp đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường hiện đại; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và đánh giá thường xuyên việc chấp hành pháp luật, môi trường của các chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp...

Với những giải pháp cụ thể, linh hoạt để phát triển bền vững các KCN, tỉnh Thái Nguyên đang tạo ra những bước tiến mới, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020.

Hoàng Nguyên
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Thái Nguyên
Thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Thái Nguyên

Tiếp nối những thành công trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Thái Nguyên thời gian qua, 6 tháng đầu năm 2017, Ban quản lý các KCN Thái Nguyên đã đón tiếp, làm việc với 31 lượt các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN của tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN