Thưa ông, khả năng FED hạ lãi suất vào tháng 9 tới được dự báo lên đến 90%, điều này sẽ tác động thế nào đến kinh tế Việt Nam?
Mặc dù chưa đưa ra lộ trình rõ ràng, nhưng FED đã gửi tín hiệu tới thị trường về việc có thể sẽ giảm lãi suất vào cuối quý III, đầu quý IV/2024, sau khi thấy rằng tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 đã kiểm soát được ở mức lạc quan hơn dự báo, dù vẫn còn xa lạm phát mục tiêu là 2%.
Một vấn đề cũng tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán Mỹ và lan toả ra các thị trường chứng khoán trên thế giới, đó là cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ và câu chuyện ông Donal Trump thoát nạn trong cuộc ám sát hụt vừa qua, đã đưa cuộc tranh cử vào một khúc quanh mới. Sau đó ông Donal Trump, đại diện cho đảng Cộng hoà được bầu chọn làm ứng của viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong Đại hội đảng diễn ra vào ngày 15-16/7 vừa qua tại Milwaukee. Trong khi đó, đương kim Tổng thống Jo Biden đã rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong tình hình bầu cử căng thẳng hiện nay, FED vẫn duy trì quan điểm có thể sẽ giảm lãi suất trước thời điểm bầu cử tổng thống 5/11 để thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi Donald Trump tỏ ra không đồng ý với chủ trương nới lỏng tiền tệ của FED.
Những yếu tố trên tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào? Nhìn lại GDP quý 2 ước đạt 6,93% và 6 tháng đầu năm đạt 6,42% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5% nhờ đà phục hồi của nhu cầu thế giới, nhất là tại các đối tác lớn của Việt Nam. Cán cân thương mại thặng dư 11,63 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối.
6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm. Kết quả khả quan này khẳng định niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng và cơ hội đến từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực tăng 7,7% so với cùng kỳ chủ yếu là do xuất khẩu và cầu nội địa tăng khá. Chỉ số PMI sản xuất đạt 54,7 điểm trong tháng 6/2024, tăng mạnh so với mức 50,3 điểm của tháng 5/2024 và mức 50,5 điểm của tháng 6/2023 và mức 52,5 điểm của tháng 6/2019, là mức cao nhất kể từ tháng 5/2022 nhờ sự cải thiện tích cực của đơn hàng mới, xuất khẩu và niềm tin kinh doanh.
Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan cho nửa năm sau, nếu FED quyết định hạ lãi suất, làm giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND, lạm phát và tác động tích cực đến các cân đối vĩ mô khác. Ở chiều ngược lại, nếu FED dưới sức ép của Đảng Cộng hòa hoãn lại việc giảm lãi suất thì nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam dược dự báo, trong đó có việc tỷ giá và lạm phát tăng và những tác động bất lợi cho đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, với tình hình quốc tế và trong nước nêu trên, chúng ta có thể kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố; tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm có khả năng đạt 6,3-6,8% và cả năm có thể đạt 6,3-6,5%
Theo ông, lĩnh vực nào đầu tư sẽ mang lại hiệu quả trong 6 tháng cuối năm 2024?
Nhìn vào chỉ số VN-Index, chúng ta đều thấy thị trường chứng khoán đã tăng trưởng tốt, dù chịu không ít tác động từ quyết định của nhà đầu tư nước ngoài và biến động trên thị trường tài chính thế giới. Nhưng tôi cho rằng, trong nửa sau của năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ ổn định và tốt hơn so với nửa đầu năm 2024, bởi đây là “hàn thử biểu của nền kinh tế”: Nếu kinh tế phục hồi mạnh vào nửa năm sau của 2024 thì thị trường chứng khoán sẽ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ đó.. Cụ thể hơn, những mã chứng khoán liên quan đến khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông, và đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng sẽ có tính bền vững, hấp dẫn so với các mã cổ phiếu khác.
Riêng bất động sản của các loại hình nông nghiệp, đất nền, thương mại, nghỉ dưỡng, du lịch vẫn chưa thấy khởi sắc nhưng bất động sản tại các đô thị cũng và công nghiệp là hai khu vực phát triển tốt nhất từ đầu năm 2024 và dự báo tiếp tục tiềm năng đến cuối năm 2024. Lý do bởi, công nghiệp là ngành phát triển tốt khi đầu tư ở nước ngoài vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, bất động sản, nhà ở tại những thành phố lớn mặc dù giá cao nhưng nhu cầu vẫn rất lớn nên đây vẫn là kênh đầu tư mang lại hiệu quả cao.
Vàng là lĩnh vực đầu tư có lẽ nên cẩn trọng nhất vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. Đặc biệt, 2024 là năm mà Nhà nước rất quan tâm đến thị trường vàng và sẽ có những điều chỉnh mạnh mẽ nên nhà đầu tư thận trọng là tốt nhất. Thi trường vàng miếng đang được kiểm soát chặt chẽ trong chương trình bình ổn giá, nhưng giá vàng nhẫn lại đang tăng mạnh và vượt giá vàng miếng, một hiện tượng bất thường và có thể là một dấu hiệu của sự biến động mới.
Đối với thị trường ngoại hối, tỷ giá đã tăng gần 5% từ đầu năm đến nay và hiện đang ở mức khoảng 25.320 VND/USD. Nhìn về 6 tháng cuối năm 2024, với những biến động trên thị trường tài chính thế giới, đặc biệt khi Mỹ giảm lãi suất có thể áp lực về tỷ giá sẽ giảm. Nhưng nhiều bất ngờ có thể xảy ra liên quan đến cuộc tranh cử Tổng thống tại Mỹ và chính sách tiền tệ của FED. Dầu sao, thị trường ngoại hối không còn là kênh đầu tư hấp dẫn như nhiều năm trước đây.
Tiền gửi ngân hàng trong 6 tháng đầu năm tăng chậm với lãi suất huy động tiếp tục giảm và các kênh đầu tư khác như vàng và chứng khoán trở nên “hot” hơn. Trong khi đó lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ. Trong nửa năm sau, với các hoạt động sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các ngân hàng sẽ mạnh tay cho vay hơn. Với kịch bản này, các ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động để tăng huy động và tăng cho vay, mà tại thời điểm này điều đó đã xảy ra. Lãi suất huy động tăng có khả năng kéo theo lãi suất cho vay. Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng trong nửa năm sau của 2024.
Còn Crypto Currency- đồng tiền mã hóa sẽ biến động ra sao. Tiền mã hóa vẫn đang được cơ quan quản lý “nhìn” với con mắt rất dè dặt nhưng cũng chưa có động thái mang tính cấm đoán ngoài quy định vẫn có từ trước là không dùng đồng tiền mã hoá trong thanh toán. Nhưng trong trường hợp có những biến động lớn về địa chính trị, và kinh tế toàn cầu tôi cho rằng vai trò của crypto sẽ lên ngôi và khi đó sẽ tạo một áp lực rất lớn lên NHNN. Tất nhiên, NHNN cũng không thể khoanh tay đứng nhìn trong trường hợp đồng tiền mã hoá đóng vai trò ngày càng lớn trên thị trường tài chính toàn cầu và tại Việt Nam và có lẽ cơ quan quản lý cần sớm thực hiện chương trình thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox). Chúng ta không thể để ngỏ, đứng ngoài lề những biến động của vấn đề này bởi các tác động sẽ rất lớn đến thị trường tài chính, kinh tế, xã hội Việt Nam. Do vậy, tôi cho rằng Chính phủ cần sớm phê chuẩn và ban hành những quy định về regulatory sandbox để thử nghiệm hoạt động, từ đó rút ra kinh nghiệm và bài học khi vận hành chính thức trong nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!