Bình Dương: Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Ngày 23/7, tại Kỳ họp thứ 16 (thường lệ giữa năm) HĐND tỉnh khóa X, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã làm rõ các nội dung quan trọng, đặc biệt nhấn mạnh những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024 và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, ông Võ Văn Minh khẳng định, tỉnh sẽ tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công sẽ được xem xét lại để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Ông Võ Văn Minh nêu rõ, thời gian tới, Bình Dương sẽ tăng cường làm việc với các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường xuất khẩu; phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị; xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung. Tỉnh cũng phát triển nông nghiệp theo hướng thông minh, ứng dụng công nghệ cao; phòng chống thiên tai, lụt bão; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới. Công tác quản lý nhà nước về thu, chi ngân sách sẽ được tăng cường, đảm bảo cân đối thu - chi. Đề án tạo nguồn thu từ đất để chi đầu tư phát triển được đẩy mạnh cùng với việc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn về thẩm định giá đất, phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng...
Tại cuộc họp HĐND tỉnh Bình Dương cũng diễn ra phần chất vấn, giải đáp "đúng" và "trúng" những vấn đề cử tri, nhân dân và đại biểu HĐND quan tâm. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp, mong muốn UBND tỉnh và các ngành, địa phương có giải pháp phù hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn vì sự phát triển chung của tỉnh. 100% đại biểu tham gia đã biểu quyết thông qua 11 nghị quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 6 tháng qua, Bình Dương đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng. Tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,19%, cao nhất từ năm 2020 đến nay. Thu ngân sách tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 50% dự toán. Chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được chú trọng, giáo dục đạt thành tích cao, và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Trước đó, tại buổi khai mạc kỳ họp, các đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thể hiện lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc đối với những đóng góp to lớn của ông với đất nước, tỉnh Bình Dương.
Hậu Giang: Tạo cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế
Ngày 23/7, HĐND tỉnh Hậu Giang, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc Kỳ họp thứ 21 (kỳ họp giữa năm 2024).
Phát biểu tại kỳ họp, ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, những nội dung sẽ được xem xét, quyết định tại kỳ họp lần này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, HĐND sẽ xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng như phân tích khách quan, toàn diện, bám sát các mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 để đánh giá đúng, trúng những kết quả đã đạt được, chỉ rõ bất cập, hạn chế, yếu kém, khó khăn và đề xuất giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2024.
Các đại biểu thảo luận và thông qua 20 nội dung dự thảo nghị quyết với 4 nhóm lĩnh vực chính để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Trong 6 tháng qua, Hậu Giang đạt được những kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,04%, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 15 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,12 triệu đồng (tăng 19,65%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,89%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,13%, nông nghiệp tăng 3,79% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm. Đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở và dông lốc xảy ra sớm; xảy ra các bệnh sởi, đậu mùa khỉ, viêm não Nhật Bản...