Thông qua nhiều nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 12/7, HĐND các tỉnh Bạc Liêu, Cao Bằng, Bến Tre thông qua nhiều nghị quyết quan trọng để các đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai nhằm đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm 2024.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 . Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Đáp ứng nguyện vọng của cử tri

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương (từ ngày 11-12/7), dân chủ, trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã bế mạc sáng 12/7.

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Bạc Liêu tập trung xem xét, thảo luận các báo cáo, tờ trình của các cơ quan liên quan để quyết nghị nhiều nội dung quan trọng như: Nghị quyết quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức khoán kinh phí và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn và khóm, ấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; Nghị quyết về phân bổ chỉ tiêu biên chế hành chính năm 2024; Nghị quyết về tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập năm 2024; Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025…

HĐND tỉnh Bạc Liêu Kỳ họp thứ 17, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất thông qua 17 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao để kịp thời cụ thể hóa các chính sách mới theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp tình hình thực tế địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đánh giá, tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn. Kỳ họp ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu trọng tâm, sâu sắc, trên tinh thần góp ý xây dựng; phản ánh trung thực, khách quan, gắn với thực tế đời sống, kinh tế, xã hội, văn hóa địa phương.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nhận định, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

HĐND tỉnh Bạc Liêu ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Ủy ban nhân dân tỉnh, tinh thần nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm 2024.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng chỉ đạo, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2024 và thời gian đến cuối của nhiệm kỳ 2021-2026 còn rất ngắn, khối lượng công việc lớn, dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh, cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân, doanh nghiệp toàn tỉnh quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của tỉnh.

Cao Bằng thông qua 25 nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN.

Từ ngày 10-12/7, HĐND tỉnh Cao Bằng khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024). Kỳ họp đã thông qua 25 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội.

Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê nêu vấn đề, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ tiết kiệm, giá trị tiết kiệm qua đấu thầu không cao. Đặc biệt, nhiều gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu tham gia.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Cao Bằng Lưu Công Hữu cho rằng, kết quả, hiệu quả thực hiện đấu thầu qua mạng của tỉnh Cao Bằng còn rất thấp: xếp thứ 7 từ dưới lên về tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu (trung bình 0,88%), xếp thứ 3 từ dưới lên về giá trị tiết kiệm trong đấu thầu (52,56 tỷ đồng), xếp thứ 4 từ dưới lên về số lượng nhà thầu trung bình tham gia một gói thầu xây lắp. Nguyên nhân được xác định là các gói thầu trên địa bàn tỉnh cơ bản có quy mô nhỏ và giá trị thấp, điều kiện thi công khó khăn nên không hấp dẫn các nhà thầu trong nước; đơn giá xây dựng sát với giá nguyên, nhiên vật liệu trên địa bàn.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư nghiêm chỉnh thực hiện đấu thầu qua mạng 100% đối với những gói thầu phải thực hiện đầu thầu qua mạng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đấu thầu, trường hợp có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật…

Trả lời ý kiến cử tri về việc, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 447 công trình cấp nước sạch nông thôn không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Nguyễn Thái Hà cho biết, do các công trình được đầu tư từ những năm 1991 đến nay. Việc duy tu, bảo dưỡng công trình chưa được quan tâm, chú trọng. Nguồn vốn bố trí cho duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình thực hiện theo quy định nên không có kinh phí để trả cho người vận hành công trình, sửa chữa những hư hỏng nhỏ...

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng sẽ phối hợp với các địa phương, tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sạch nông thôn để xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng công trình, chú trọng công tác quản lý sau đầu tư, cải tạo, duy tu, bảo dưỡng.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo HĐND tỉnh Cao Bằng tặng hoa chúc mừng thành viên HĐND tỉnh điều chuyển nhận công tác mới. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN.

Tại Kỳ họp, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá, làm rõ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt thấp; trách nhiệm của các cơ quan liên quan và giải pháp ngăn chặn các đối tượng giả danh Công an, Viện kiểm sát để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng...

Kỳ họp đã thông qua 25 nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh như: Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công năm 2024, dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2025; chính sách hỗ trợ nhân dân tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Tập trung triển khai ngay các nghị quyết

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Triệu phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Trong hai ngày 11-12/7, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X, tổ chức Kỳ họp lần thứ 14. Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Bến Tre thảo luận, phân tích, đánh giá một cách toàn diện, khách quan, đúng thực chất những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế trong 6 tháng đầu năm 2024; từ đó đại biểu đã đề xuất bổ sung nhiều giải pháp nhằm đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của HĐND tỉnh năm 2024. HĐND tỉnh cũng đã dành thời gian xem xét, thảo luận và thông qua 19 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội được trình tại Kỳ họp.

Kỳ họp đã thực hiện thành công phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, phiên chất vấn đề cập đến những vấn đề bức xúc của các địa phương, được cử tri và đại biểu HĐND tỉnh quan tâm. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, yêu cầu UBND tỉnh, giám đốc các sở thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những cam kết đã hứa trước HĐND tỉnh và cử tri trong tỉnh, làm cơ sở để HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và cử tri giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Triệu nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm “tăng tốc” để tạo nền tảng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre 5 năm 2021 -2025.

Chú thích ảnh
Đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: Công Trí/TTXVN

HĐND tỉnh Bến Tre đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp tập trung triển khai ngay các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua để nghị quyết đi vào cuộc sống; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin để nhân dân đồng thuận và chung sức thực hiện đạt kết quả cao.

UBND tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện; phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

UBND tỉnh tập trung tối đa các nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án và các chương trình theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là dự án cầu Rạch Miễu 2, dự án Khu công nghiệp Phú Thuận, dự án Đầu tư Khu Lạc Địa, các dự án đô thị, Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện điểm số và nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR-INDEX, SIPAS và Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bến Tre đến năm 2030…

Phóng viên TTXVN các địa phương
Giao nhiệm vụ cụ thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng cuối năm
Giao nhiệm vụ cụ thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế 6 tháng cuối năm

Các địa phương trong cả nước hiện đang giao nhiệm vụ cụ thể hoàn thành các chỉ tiêu 6 tháng cuối năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN