Phó Thống đốc: Cầu tín dụng ‘ấm’, tín dụng tiếp tục tăng trưởng

Tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước nhằm triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, diễn ra sáng 23/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì họp báo sáng 23/7.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực triển khai nhiều chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội (NƠXH), nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

Kết quả này được xem là khá tích cực, trong bối cảnh tín dụng ngân hàng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm và cuối tháng 5/2024 vẫn tăng trưởng thấp. Tăng trưởng tín dụng tăng mạnh từ tháng 6/2024 cho thấy khả năng cao tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc doanh nghiệp.

“Nhờ sự quyết liệt từ nhiều phía, đã góp phần gỡ khó trong các vấn đề: Làm sao để doanh nghiệp có nhu cầu được vay vốn; tháo gỡ khó khăn về yếu tố pháp lý trên tất cả lĩnh vực, giúp doanh nghiệp hoạt động tốt. Nguồn vốn để doanh nghiệp tiếp cận có thể từ nguồn vốn từ thị trường trái phiếu, chứng khoán, vốn nội lực của doanh nghiệp và vốn vay từ phía ngân hàng. Sự đồng bộ các giải pháp, cũng như sự ưu đãi từ các chính sách của ngành Ngân hàng, đã tạo cú hích cho doanh nghiệp hấp thụ vốn được tốt hơn”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết.

Theo lãnh đạo NHNN, từ đầu năm đến nay, không chỉ NHNN, mà từng ngân hàng thương mại (NHTM) đã tổ chức các hội nghị kết nối với doanh nghiệp, để cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là các dự án lớn, dự án NƠXH.

Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Tham mưu ban hành Luật Các TCTD năm 2024 và hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật liên quan đến hoạt động tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của các TCTD, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp; ban hành Thông tư 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đến hết ngày 31/12/2024.

Phía các TCTD đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng thông qua khai thác cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến...

Trước đó, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; công khai lãi suất cho vay bình quân...

Về phía các TCTD, các đơn vị tiếp tục rà soát, đơn giản hoá quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hoá áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn...

Đại diện NHNN cho biết, từ nay đến cuối năm, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan.

Phó Thống đốc NHNN cho biết: Từ nay tới cuối năm, ngành Ngân hàng tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ (CSTT); tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

“Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng; tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Theo thống kê gần nhất từ NHNN về diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD), lãi suất cho vay giữ ở vùng thấp, các khoản cho vay ở mức 7,3 - 9,5%/năm so với mức 8,0 - 10,1%/năm ở cuối năm 2023.

Trước bối cảnh công nghiệp sản xuất đang phục hồi dần, tín dụng cho doanh nghiệp vẫn đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian này, đặc biệt là khi tín dụng khu vực hộ gia đình vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn để phục hồi. Dù lãi suất đã giảm về vùng hấp dẫn tuy nhiên các hộ gia đình trong giai đoạn này vẫn trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng để quản lý chi tiêu trước bối cảnh kinh tế khó khăn, do đó tín dụng khu vực doanh nghiệp nhạy cảm hơn với các mức lãi suất hấp dẫn từ các ngân hàng.
Tin, clip: Minh Phương/Báo Tin tức
 ‘Thúc’ cho vay tiêu dùng để kích cầu sức mua 
 ‘Thúc’ cho vay tiêu dùng để kích cầu sức mua 

“Bên cạnh việc đáp ứng những nhu cầu của người dân, tín dụng tiêu dùng còn kích cầu sức mua, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN