Từ sao Michelin tới danh hiệu UNESCO
Năm 2016, Hawker Chan - một quán cơm gà nằm trong khu hàng rong Chinatown Singapore - trở thành quán ăn đường phố đầu tiên trên thế giới được trao tặng sao Michelin. Hawker Chan đã “thừa thắng” mở thêm hai chi nhánh và tới sáu cửa hàng nhượng quyền ở sáu quốc gia nữa. Mặc dù tới năm 2021, quán cơm này không còn được nhận sao Michelin nữa, những bộ mặt ẩm thực ở khu hàng rong Singapore từ lúc ấy đã đổi khác. Sau Hawker Chan, Singapore có thêm Tai Hwa, một nhà hàng bình dân chuyên bán mì thịt lợn cũng liên tục giành sao Michelin. Ngôi sao Michelin cũng kéo theo việc tăng giá mỗi bát mì.
Việc bảo tồn văn hóa ẩm thực hàng rong của Singapore đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều năm, đảo quốc này có hơn 100 trung tâm bán hàng rong. Nhưng phải tới cú huých Michelin, thì hồ sơ di sản ẩm thực đường phố mới bắt đầu được xúc tiến. Năm 2018, Singapore đệ trình hồ sơ lên UNESCO và năm 2021, văn hóa bán hàng rong của nước này được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể. Rõ ràng Singapore đã “hưởng lợi” như thế nào từ khi những ngôi sao Michelin xuất hiện.
Không ai có thể biết được hết các tiêu chuẩn và những quy định cụ thể để có được ngôi sao Michelin, bởi hệ thống thẩm định ẩm thực của Michelin được bảo mật tuyệt đối. Bà Elisabeth Boucher-Anselin, Giám đốc truyền thông Michelin Experiences cho biết, “Việc lựa chọn sẽ được thực hiện độc lập bởi các thẩm định viên ‘ẩn danh’ của Michelin nổi tiếng theo hệ phương pháp lâu đời và toàn cầu của Guide theo 5 tiêu chí quốc tế: Chất lượng của nguyên liệu sử dụng; Kỹ thuật nấu điêu luyện; Sự hài hòa trong hương vị; Cá tính của người đầu bếp được thể hiện trong món ăn; Chất lượng ổn định theo thời gian của các món ăn”.
Trong cách xếp hạng thứ bậc, sao Michelin được chia thành ba thứ bậc tương ứng với 3 sao, 2 sao và 1 sao. Theo tiêu chí, nhà hàng một sao nghĩa là “rất tốt so với mặt bằng chung”, nhà hàng hai sao nghĩa là “chất lượng tuyệt vời, xứng đáng để thưởng thức”, ba sao là mức độ cao cấp nhất với “món ăn hảo hạng, xứng đáng với một hành trình đặc biệt”.
Michelin Guide ngày nay còn mở rộng thêm nhiều hạng mục như Michelin Selected (nhà hàng do Michelin Guide đề xuất) hay Bib Gourmand dành cho những nhà hàng mang đến món ăn ngon với giá cả phải chăng.
Hơn cả một nền ẩm thực
Năm 2016, Michelin Guide lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á. 2017, họ tạo một cú sốc nho nhỏ với nền ẩm thực thế giới khi công bố một nhà hàng đường phố Singapore đạt 1 sao Michelin. 2018, Thái Lan có tên trong bản đồ sao Michelin. 2022 là Malaysia và năm nay, là Việt Nam, dưới sự nỗ lực của đối tác Sun Group. Trang exoticvoyages đánh giá việc Việt Nam ra mắt Michelin Guide là một sự thay đổi lớn trong đánh giá ẩm thực Đông Nam Á. Đất nước nổi tiếng với những Bánh mì, Phở, Bún Chả có cơ hội để chứng tỏ mình ở lĩnh vực ẩm thực mang tính đẳng cấp hơn.
Việc Sun Group mang Michelin về Việt Nam, giống một cú huých, kỳ vọng có thể mở ra giai đoạn mới cho hóa ẩm thực Việt, như Singapore từng làm được.
Bà Elisabeth Boucher-Anselin nhận định: “Michelin Guide đã quan sát nền ẩm thực của Việt Nam trong một thời gian khá dài, dõi theo sự phát triển ẩm thực của quốc gia này và nhận thấy sự thăng hoa của nền ẩm thực tại đây. Bằng cách đó, chúng tôi sẽ đóng góp phần tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam cũng như hành trình khám phá nền ẩm thực của đất nước này. Chúng tôi cũng hy vọng Michelin Guide sẽ góp phần nâng cao giá trị và tạo cảm hứng cho nhiều chuyên gia tài năng, những người đang định hình ngành công nghiệp nhà hàng địa phương, và nhờ đó sẽ có tác động tích cực đến sức hấp dẫn của lĩnh vực này”.
Theo khảo sát, khi so sánh giữa những điểm đến, 67% du khách sẽ lựa chọn điểm đến có Michelin thay vì điểm đến không có “ngôi sao” này. Hiệu ứng Michelin Guide còn dẫn đến sự gia tăng về số lượng và chất lượng nhu cầu khi 57% du khách thường xuyên sẽ kéo dài thời gian lưu trú tại điểm đến có Michelin. Các nhà hàng trong danh sách Michelin Guide có 71% khách du lịch thường xuyên tăng chi tiêu, giúp nhân rộng tác động của bộ sưu tập đối với mỗi nền kinh tế, thúc đẩy sự xuất hiện của nhóm khách hàng cao cấp và khách du lịch có chi tiêu cao hơn.
Sự có mặt của Michelin Guide và việc đánh giá phân hạng sao còn giúp lực lượng lao động ở những nhà hàng nhận sao Michelin tăng đến 80%. Năm 2018, Michelin Guide đã giúp San Francisco và Singapore tạo được 2.650 việc làm mới tại những nhà hàng đạt sao Michelin.
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cho rằng: “Đây cũng là cơ sở, để Việt Nam đón thêm dòng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao, từ đó thúc đẩy các điểm đến cạnh tranh, nâng cao chất lượng ẩm thực cũng như chất lượng phục vụ khách, nâng cao tay nghề của các đầu bếp lẫn nhân viên phục vụ của các nhà hàng, hướng tới đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh với những điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới”.
Ẩm thực Việt Nam được thế giới biết đến với sự đa dạng, mang đậm sắc màu văn hoá, lịch sử và đặc trưng vùng miền. Năm 2020, tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) trao tặng Việt Nam danh hiệu Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Mới đây, Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel công bố danh sách 10 quốc gia có nền ẩm thực hấp dẫn hàng đầu thế giới do độc giả bình chọn, trong đó Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 với những món ăn rất quen thuộc như phở, bánh mì, nem rán, bún chả…
Thủ đô Hà Nội được Tripadvisor bình chọn trong top “25 điểm đến hàng đầu thế giới cho những người yêu ẩm thực”. TP.HCM lại hấp dẫn du khách bởi nền ẩm thực là sự giao thoa của nhiều vùng miền, sự kết hợp của ẩm thực Á Đông và Tây phương. Bởi thế, Bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group (thương hiệu Du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn Sun Group) nói rằng Sun Group đã rất khát khao đem lại sự công nhận cho ẩm thực Việt và việc chính thức công bố những ngôi sao Michelin mang lại sự “phấn khích, tự hào và không khỏi xúc động”
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Việc những nhà hàng Việt Nam được công bố sao Michelin sẽ là bước tiến lớn, quan trọng trong việc tiếp cận đến chất lượng phục vụ thế giới. Chính vì vậy, khi Michelin đến Việt Nam sẽ tạo ra xu hướng mới cho khách du lịch đến Việt Nam”.
“Định hướng phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, thì du lịch văn hóa là 1 trong 4 dòng sản phẩm chính. Việt Nam trong thời gian qua đã nhận được sự công nhận của nhiều tổ chức uy tín thế giới vinh danh và 3 năm liên tiếp điểm đến văn hóa ẩm thực hàng đầu châu Á. Chúng ta đang hướng đến danh hiệu cao hơn nữa để khẳng định giá trị thương hiệu ẩm thực Việt Nam. Và sự kiện Michelin đến Việt Nam thẩm định những nhà hàng thì chúng tôi cho rằng rất tốt để xúc tiến quảng bá thời gian tới”, ông Khánh nói thêm.