Với mức đầu tư ban đầu hơn 500 triệu USD, Núi Pháo là mỏ đa kim lớn nhất thế giới được đưa vào hoạt động trong vòng 15 năm trở lại đây, cung cấp nguồn nguyên liệu quý giá cho hoạt động khai thác và chế biến vonfram – vật liệu thiết yếu trong các ngành hàng không vũ trụ, xe hơi, cơ sở hạ tầng và quốc phòng. Tận dụng lợi thế của một mỏ lộ thiên với tỷ lệ bóc đất thấp giúp tiết kiệm chi phí, Công ty Masan Resources đã xây dựng nhà máy chế biến khoáng sản tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam, với quy mô lớn và khả năng sản xuất 4 loại khoáng sản và kim loại khác nhau từ một thân quặng duy nhất. Thay vì bán sản phẩm thô hay hài lòng với vai trò là một nhà khai thác khoáng sản, doanh nghiệp này ứng dụng kỹ thuật công nghệ để tạo ra giá trị thặng dư cho sản phẩm và từng bước tiến đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất vật liệu công nghiệp toàn cầu trước 2020. Masan Resources đã chế biến thành công các sản phẩm vonfram có giá trị gia tăng cao như APT, BTO, YTO. Việc đưa ra những sản phẩm cao cấp sẽ giúp Masan Resources tiến lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, mang lại mức doanh thu tăng 12 - 24% kể từ mức 6.865 tỷ đồng thực hiện năm 2018.
Chọn hướng phát triển theo mô hình doanh nghiệp khai khoáng chuẩn quốc tế, Công ty Masan Resources nổi lên là một doanh nghiệp đã làm tốt công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ dân sinh vì mục tiêu phát triển bền vững. Ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Masan Resources cho biết: “Chúng tôi giữ quan điểm phải sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên, cẩn trọng hoạch định các hoạt động để đem đến lợi ích hiện tại cũng như lợi ích lâu dài cho con người, môi trường và sự thịch vượng chung. Đây chính là cách chúng tôi đảm bảo phát triển bền vững.”
Masan Resources đã đầu tư hạ tầng cho các khu tái định cư Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và Đồng Bông. Các khu tái định cư này được đánh giá là cảnh quan đẹp và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt nhất tỉnh Thái Nguyên. Cụ thể, khu tái định cư Nam Sông Công có nhiều công trình tiện ích đi kèm dành cho cư dân, trong đó có một trạm cấp nước sinh hoạt, một nhà máy xử lý nước thải và rác, đường dây điện thoại, hệ thống cung cấp điện, một trung tâm y tế, một nhà văn hóa và nhà thờ…
Ngoài việc tạo chỗ ở ổn định cho người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án, công ty đã xây dựng hàng loạt mô hình phát triển cộng đồng, tạo sinh kế ổn định cho người dân mất đất như mô hình canh tác chè bền vững theo tiêu chuẩn VietGap, hỗ trợ xây dựng các doanh nghiệp cung ứng địa phương để cung cấp bao bì, giá đỡ hàng, đồng phục bảo hộ, dịch vụ vận tải cho công ty. Tại Masan Resources, trọng tâm nguồn nhân lực của công ty chính là các lao động tại địa phương: 79% lao động là người tỉnh Thái Nguyên, 14% lao động đến từ các tỉnh khác và 7% là lao động nước ngoài. Trong quá trình xây dựng mỏ và thực hiện việc vận hành nhà máy chế biến, Masan Resources và các nhà thầu của dự án đã sử dụng, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng 3.000 lao động địa phương, trong đó có khoảng 1.000 người từ các gia đình bị ảnh hưởng do thu hồi đất cho dự án. GDP cả năm 2018 của Thái Nguyên tăng 7,08%, vượt mục tiêu đặt ra ban đầu là 6,7%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Masan Resources được đánh giá là một trong hai doanh nghiệp “đầu đàn” tại Thái Nguyên, giúp tỉnh này phát triển đột phá trong những năm qua. Từ 2015 – 2018, Masan Resources đóng góp 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước và đóng góp mỗi năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh.
Nói về những đóng góp của Masan Resources đối với với địa phương, ông Đỗ Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chia sẻ: “Trong suốt thời gian qua, Masan Tài Nguyên đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao giá trị tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương rõ nét.”
Bên cạnh đó, để cải tạo và phục hồi môi trường, Masan Resources đã hợp tác với Viện độc lập về các lĩnh vực môi trường (UFU) của Liên bang Đức để thực hiện dự án “Trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất mỏ” để lựa chọn cây trồng phù hợp. Kết quả của việc hợp tác đã giúp Công ty tìm ra 2 loại cây phù hợp là cỏ VA06 và cây keo lai là cây trồng chủ đạo trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường trong thời điểm hiện tại và giai đoạn đóng cửa mỏ sau này. Công ty đã trồng mở rộng cây keo lai từ năm 2016 đến nay khoảng 10ha và khoảng 3ha cỏ VA06 được trồng trên các sườn, tầng khu vực bãi thải giúp phủ xanh, chống xói mòn và cải tạo đất. Khoảng hơn 12 tấn cỏ VA06 đã được thu hoạch và cung cấp miễn phí cho cộng đồng trên địa bàn huyện làm giống và thức ăn chăn nuôi giúp phát triển kinh tế hộ gia đình. Tổng diện tích Công ty đã cải tạo, phục hồi môi trường từ khi đi vào hoạt động cho đến hết tháng 6 năm 2019 là 60,29ha.
Sử dụng nguồn nước hiệu quả và xử lý nước thải cũng là một trong những vấn đề được Tập đoàn Masan quan tâm hàng đầu. Theo khuyến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở Trạm xử lý nước thải xây dựng năm 2016, Masan Resources đã thực hiện 2 giai đoạn nâng cấp: Xây dựng hệ thống xử lý hóa – lý và hồ lắng; cải tạo, nâng cấp hồ xử lý sinh học. Tổng chi phí cải tạo nâng cấp Trạm xử lý nước thải khoảng 2.1 triệu đô la Mỹ. Trạm xử lý nước thải mới đã chính thức vận hành vào tháng 8/2018, cho hiệu quả xử lý cao, hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng nước xả thải đạt giới hạn cột A, QCVN40:2011/BTNMT có thể sử dụng để cấp nước cho mục đích sinh hoạt.
Với các kết quả đáng tự hào trong kinh doanh và phát triển bền vững, Masan Resources - thành viên của Masan Group đã nhận được nhiều thành tích cao quý như: Chứng nhận là doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2018 được trao bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2018, Top 100 Doanh nghiệp Sao vàng đất Việt do Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam trao tặng, Cờ thi đua cho Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2019 do Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng…