Tăng cường cải tạo phục hồi môi trường tại Mỏ đa kim Núi Pháo

Được giao quản lý, vận hành mỏ đa kim Núi Pháo – mỏ khoáng sản có quy mô tầm cỡ thế giới tại xã Hà Thượng, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), từ khi chính thức đi vào hoạt động (năm 2014) đến nay, Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nuiphao Mining) đã đặc biệt quan tâm đến công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Tính riêng đến hết năm 2018, Nuiphao Mining đã thực hiện 9 đợt ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên với tổng số tiền hơn 35 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
 Công nhân Công ty Nuiphao Mining chăm sóc cây xanh tại mỏ Núi Pháo.

Dẫn chúng tôi thăm quan khu vực mỏ Núi Pháo, điều dễ nhận thấy nhất đó là tại các khu vực đổ thải, khu vực đất bị xáo trộn những thảm cỏ, rặng cây xanh mướt đang dần mở rộng, lấp dần những mảng đất trống, sườn dốc. Anh Nguyễn Tuấn Bình, Phó trưởng phòng môi trường – Công ty Nuiphao Mining cho biết: Tại các khu vực đã ổn định việc đổ thải, Công ty Núi Pháo đều tiến hành gieo hạt cỏ, trồng cây xanh trong thời gian nhanh nhất có thể để giảm thiểu xói mòn đất, chống sạt lở và tạo hành lang xanh bảo vệ môi trường…

Năm qua, cùng với công tác phục hồi môi trường tại những khu vực đã hoàn thành đổ đất ổn định bờ, tầng khu vực đổ đất đá thải, Nuiphao Mining tiếp tục hợp tác với Viện độc lập về các lĩnh vực môi trường (UFU) - CHLB Đức thực hiện Dự án trồng thử nghiệm cây năng lượng trên đất mỏ. Ngay từ khi bắt đầu triển khai hợp tác, Cỏ VA06 và cây Keo lai được lựa chọn là cây trồng làm cây trồng chủ đạo trong quá trình cải tạo, phục hồi môi trường thời điểm hiện tại và giai đoạn đóng cửa mỏ sau này. Diện tích trồng mở rộng cây Keo lai từ năm 2016 đến nay khoảng 10 ha, cỏ VA06 tại khu vực Bãi thải đất đá khoảng 3 ha, cung cấp miễn phí 12 tấn cỏ VA06 sau thu hoạch cho người dân tại các xã trên địa bàn huyện làm giống để trồng phát triển kinh tế chăn nuôi theo chương trình hỗ trợ cộng đồng của Công ty. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Nuiphao Mining và UFU, hai bên đã phối hợp thực hiện nghiên cứu đa dạng sinh học khu vực trồng thử nghiệm cây năng lượng nhằm đánh giá mức độ cải thiện đa dạng sinh học của khu vực. Đặc biệt, từ năm 2015, Nuiphao Mining bắt đầu xây dựng mô hình Wetland để góp phần cải thiện hiệu quả xử lý và nâng cao chất lương nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.  Đây là mô hình xử lý nước thải thân thiện với môi trường nhằm tận dụng khả năng hấp thụ, chuyển hóa của thực vật để làm giảm hàm lượng BOD, COD và một số kim loại nặng rò rỉ từ bãi thải đuôi quặng mỏ thiếc Đại Từ trước đây. Hiện công ty đã xây dựng được hơn 600 bè cỏ thả vào các ao lắng trên diện tích mặt nước khoảng 3000 m2…Việc áp dụng thành công mô hình wetland đã thay đổi hoàn toàn cảnh quan khu vực ô nhiễm trước đây và trở thành điểm nhấn trong công tác bảo vệ và cải thiện môi trường của Công ty.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty Nuiphao Mining chăm sóc bè cỏ hỗ trợ cải thiện chất lượng nước thải.

Ông Võ Tiến Dũng, Phó giám đốc quản lý đối ngoại và môi trường Công ty Nuiphao Mining cho biết thêm: Trong năm 2018, Nuiphao Mining đã hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường cho khoảng 11,1 ha tại các sườn dốc của bãi thải đất đá, các khu vực vùng đệm và các khu vực khác bị xáo trộn đất trong quá trình khai thác, sản xuất. Nhiều loại cây trồng và nguyên vật liệu được Công ty kết hợp sử dụng giúp tăng hiệu quả trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Trong khoảng 4 năm qua, Công ty đã trồng hơn 23.000 cây Keo lai, gieo trồng trên 2.700 kg các loại giống cỏ, tổng diện tích cải tạo, phục hồi môi trường từ khi đi vào hoạt động cho đến hết năm 2018 khoảng gần 50 ha, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác mỏ. Tổng kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty từ năm 2014 đến hết năm 2018 đã lên tới hơn 10,3 tỷ đồng…

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Giang, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao những nỗ lực của Nuiphao Mining trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và sự chủ động, tích cực tìm kiếm các giải pháp để cải tạo, phục hồi môi trường mà doanh nghiệp đã thực hiện như: trồng các loại thực vật phù hợp để phủ xanh diện tích đất sau khi khai thác, dùng cỏ Thủy Trúc xử lý kim loại nặng trong nước, cỏ VA06 giúp ổn định bờ dốc, sườn tầng kết hợp làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc…

Trong hành trình phát triển bền vững năm 2019, riêng đối với công tác cải tạo, phục hồi môi trường, Nuiphao Mining tiếp tục hoàn thành các cam kết theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn thành việc truyền số liệu 2 tạm quan trắc nước thải và 1 trạm quan trắc không khí tự động về Sở TNMT Thái Nguyên, triển khai thi công hồ lắng bãi thải thành đầm lầy sinh học để xử lý kim loại nặng… Đây cũng chính là một phần trong chiến lược xây dựng doanh nghiệp trở thành mô hình kinh doanh tầm cỡ toàn cầu trong lĩnh vực vật liệu chiến lược, vận hành trách nhiệm và nhân văn./.

Chú thích ảnh
Gieo cỏ phủ xanh đất trống ngay sau khi ổn định đất đổ thải.
Mỏ đa kim Núi pháo được Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép khai thác với trữ lượng khoảng 55 triệu tấn quặng khai thác lộ thiên, công suất khai thác 3,5 triệu tấn/năm. Năm 2018, Nuiphao Miningđã được bình chọn “Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững” và “Top 100 doanh nghiệp Sao vàng Đất Việt” do các tổ chức, cơ quan truyền thông tuy tín của Việt Nam bình chọn.
P.V
NuiPhao Mining tích cực hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường
NuiPhao Mining tích cực hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường

Trở lại khai trường mỏ Núi Pháo những ngày tháng Tám, chúng tôi cảm nhận được nhịp độ sản xuất hối hả của một doanh nghiệp khai khoáng hiện đại, mang tầm vóc quốc tế. Đặc biệt, một màu xanh của các thảm cây đang lan rộng khắp một vùng mỏ rộng trên 650 ha. Việc tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực quốc tế trong hoạt động khai khoáng, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường ở nơi đây đang được triển khai một cách đồng bộ, nghiêm túc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN