Buổi lễ có sự tham dự của các cơ quan đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Nam Định; các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hà Tĩnh, đại diện Đại sứ quán Hà Lan cùng các doanh nghiệp của Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, hội, hiệp hội và cơ sở, trang trại chăn nuôi điển hình.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đã chia sẻ về định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong tương lai, khuyến khích các tổ chức và doanh nghiệp tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng nông nghiệp.
Các đại biểu tham gia buổi lễ cũng chia sẻ thêm về tiềm năng của mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, cùng những công tác chuẩn bị để giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường xuất khẩu, và đặc biệt là cơ hội xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Việc khánh thành Nhà máy Biển Đông tại Nam Định là một trong những hoạt động hướng đến xây dựng chuỗi đầu tư và phát triển khu chăn nuôi xanh để cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt lợn sạch có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể, tất cả các dây chuyền giết mổ lợn tự động đồng bộ được nhập khẩu từ Hàn Quốc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá là hiện đại bậc nhất cả về quy mô và công nghệ. Dây chuyền giết mổ có công suất 300 con lợn/giờ (trọng lượng lợn từ 100 - 150 kg). Sản phẩm chính của Biển Đông DHS là thịt lợn đông lạnh, các sản phẩm từ thịt lợn được chế biến qua gia nhiệt.
“Đây là một bước tiến quan trọng trong chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu thuộc các tỉnh thành và khu vực: Nam Định, Thái Bình và các tỉnh phía Bắc. Trong suốt thời gian qua, với việc đầu tư mô hình sản xuất kết hợp chuỗi liên kết, Biển Đông DHS đã tăng cường khả năng kiểm soát chặt chẽ và đảm bảo chất lượng đầu ra của thành phẩm”, đại diện Công ty TNHH Biển Đông DHS khẳng định.
Một trong những đối tác quan trọng của Biển Đông DHS trong việc xây dựng mạng lưới trang trại tại các tỉnh phía Bắc, đáp ứng kịp thời nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng khi nhà máy Biển Đông đi vào sản xuất ổn định chính là Tập đoàn De Heus. De Heus là doanh nghiệp tiên phong và thành công trong việc kết hợp cùng nhiều đối tác phát triển các mô hình chuỗi liên kết sản xuất thịt sạch có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu cho nhà máy Biển Đông sẽ được thu mua từ các trang trại trong chuỗi liên kết của De Heus, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn của VietGAP, quy trình quản lý nghiêm ngặt về tất cả các yếu tố đầu vào của trang trại, sử dụng chương trình thức ăn theo chuỗi liên kết, đảm bảo ổn định cho sản phẩm đầu ra.
Sản phẩm của chuỗi sẽ được quản lý nghiêm ngặt từ một hệ thống phần mềm truy xuất áp dụng từ trang trại, nhà máy giết mổ, hệ thống phân phối, đảm bảo sản phẩm sạch và truy xuất đầy đủ nguồn gốc từ tất cả các công đoạn. Sản phẩm thịt sạch của chuỗi sẽ cung cấp cho thị trường trong nước qua hệ thống siêu thị, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, bếp ăn công nghiệp, nhà hàng...và dự kiến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc)…
Chia sẻ tại sự kiện, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á, khẳng định: Trong những năm qua, De Heus đã góp mặt tại Việt Nam trong một số vai trò như tổ chức và hợp tác trong chuỗi liên kết cung cấp thức ăn chất lượng cao, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và cung cấp nguồn giống tốt nhất. Chăn nuôi VN muốn đủ sức cạnh tranh phải có những nguồn lực tốt, bao gồm giống, thức ăn, kỹ thuật. Vì vậy, trong khi tổ chức chuỗi liên kết, De Heus luôn tìm cách chia sẻ những khó khăn, chia sẻ lợi nhuận và đồng hành cùng nhà chăn nuôi, đối tác cung cấp những sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc cho người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Gabor Fluit, hiện nay sự thay đổi, cải thiện trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam đã khá tốt, dĩ nhiên vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi, trại chưa áp dụng công nghệ mới, áp dụng những giải pháp tốt nhất trong việc tránh dịch bệnh, bảo vệ môi trường… Vì vậy, vai trò của De Heus là tư vấn cho người chăn nuôi áp dụng công nghệ mới, con giống mới để đạt hiệu quả tốt hơn. "Hiện tại, so với nhiều quốc gia khác, giá thành trung bình thịt lợn của Việt Nam tuy đã cải thiện, nhưng vẫn còn cao hơn, đó là điểm yếu. Để khắc phục điểm yếu này, người chăn nuôi phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng thức ăn chăn nuôi, chất lượng giống, sử dụng giống tiên tiến nhất, đồng thời áp dụng công nghệ, cách quản lý trại hiện địa nhất, tốt nhất. Việc áp dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp VN cải thiện nhanh, đạt chất lượng không thua kém quốc gia nào", ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Với Nhà máy Biển Đông, đây là nhà máy giết mổ, chế biến lợn hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo những tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về vấn đề sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc, ý nghĩa lớn với người tiêu dùng và ngành chế biến của VN. Vai trò của De Heus trong Nhà máy là cung cấp nguồn nguyên liệu hàng ngày, đồng thời có trách nhiệm tổ chức, tìm kiếm đối tác đầu ra trong và ngoài nước cho sản phẩm của nhà máy.