Huyện Đức Hòa là nơi nhiều thương lái chọn điểm đến vì thuận tiện đường. Chính điều này dẫn đến các lò giết mổ gia súc trên địa bàn huyện Đức Hòa , tỉnh Long An quá tải.
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày gẩn đây các cơ sở giết mổ gia súc tại huyện Đức Hòa tiếp nhận nhiều thương lái trước đây ở lò mổ Xuyên Á. Với số lượng giết mổ lợn tăng đột biến, các chủ cơ sở lúc đầu gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, đáp ứng nhu cầu giết mổ này, các chủ cơ sở giết mổ tại huyện Đức Hòa đã nhanh chóng đầu tư lò mổ, đảm bảo an toàn vệ sinh.
Theo ông Nguyễn Hữu Ân – Chủ cơ sở giết mổ Thành Vinh , xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa (Long An), trước đây cơ sở của ông giết mổ khoảng 200 con lợn/đêm nhưng từ khi lò giết mổ Xuyên Á đóng cửa, một số thương lái tại lò Xuyên Á xin giết mổ lợn tại đây. Ông Ân cũng xin mở rộng lò mổ, để đạt chuẩn để hàng chất lượng chở về chợ đầu mối và làm đúng theo tiêu chuẩn, đạt vệ sinh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, trước đây công suất giết mổ trung bình của Long An khoảng 2.500 con /đêm, nhưng từ khi lò giết mổ Xuyên Á ngưng hoạt động, thì lượng giết mở tại các lò Đức Hòa lại tăng gấp đôi, có thể từ 5.000 -5.500 con. Điều này áp lực rất lớn đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành thú y để đảm bảo cho việc kiểm soát giết mổ.
Ông Lê Tiến Dũng – Phó Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Chi Cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Long An cho biết, ngành tiếp tục giám sát tình hình dịch, vệ sinh thú y, làm sao đảm bảo quy trình một đường. Bên cạnh đó, đơn vị đang tăng cường các lực lượng thú y của các huyện trong tỉnh Long An về Đức Hòa, hỗ trợ ở giai đoạn lợn quá nhiều.
Bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, cho biết thêm, trước thực trạng cơ sở giết mổ Xuyên Á đóng cửa, áp lực lượng lớn lợn dồn phía các cơ giết mổ tỉnh Long An. Sở thường xuyên chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường kiểm soát giết mổ.
Đoàn đã tổ chức đợt kiểm tra, trước mắt để đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở khi tiếp nhận các thương lái mới về đây phải đảm bảo về công tác kiểm soát giết mổ của tỉnh Long An.
Cũng theo bà Đinh Thị Phương Khanh, hiện ngành cũng nhắc nhở thương lái phải có hợp đồng lâu dài để đảm bảo chi phí đầu tư của cơ sở, đảm bảo môi trường trong kiểm soát giết mổ; đồng thời thực hiện đúng theo đề án của TP Hồ Chí Minh để tạo thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc. Qua kiểm tra cho thấy, đa số lượng lợn tại các cơ sở giết mổ bắt từ các trại về được đeo vòng truy xuất nguồn gốc.
Khó khăn hiện nay của các chủ cơ sở giết mở tại Long An do công suất giết mổ tăng đột biến, dẫn tới việc cơi nới các chuồng trại cũng như nâng cấp các chỗ giết mổ chưa đảm bảo yêu cầu. Ngành đang đề nghị các chủ cơ sở đang tích cực đầu tư vừa thu hút các lái từ TP Hồ Chí Minh vừa đảm bảo vệ an toàn thực phẩm, môi trường.