Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh thuốc an thần, đảm bảo sử dụng đúng mục đích; thẩm định và chỉ định phòng kiểm nghiệm đối với chất Acepromazine tồn dư trên thịt, nước tiểu và máu phục vụ cho việc xử lý vi phạm, đảm bảo tính pháp lý khi phát hiện sử dụng thuốc an thần.
Điểm giết mổ gia súc Thành Vinh, huyện Đức Hòa, Long An. Ảnh: Thanh Bình/TTXVN |
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng giao Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường báo cáo Bộ để có đề tài khoa học nghiên cứu thiết bị xét nghiệm (test) nhanh trên thịt, nước tiểu để phục vụ công tác thanh, kiểm tra; ngưỡng tồn dư Acepromazine trong thịt, gan, thận.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tám giao Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thú y, Thanh tra Bộ rà soát, báo cáo Bộ trưởng và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 90/2017/NĐ-CP như: trường hợp tiêm thuốc an thần cho gia súc không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thì nâng mức xử phạt lên mức cao nhất; có hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả đối với hành vi tiêm thuốc an thần vào gia súc không theo quy định (đề xuất tiêu huỷ) theo hình thức thủ tục rút gọn.
Trước đó, ngày 28/9/2017, Đoàn thanh tra do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ Xuyên Á (ấp chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Kết quả kiểm tra đã xác định có 3.750 con lợn bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ trên tổng số 5.031 con tại lò mổ.
Căn cứ kết quả của đoàn thanh tra, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu tiêu huỷ toàn bộ số lợn có chất an thần và dương tính với bệnh lở mồm long móng trên.