Tại diễn đàn HILL Asean Sei-katsu-sha được tổ chức vào ngày 15/3 vừa qua, HILL Asean Việt Nam (thuộc công ty quảng cáo lớn thứ hai Nhật Bản Hakuhodo) cho biết, việc phân tích về “Cộng đồng người cận giàu” nhằm hướng đến việc khai thác cuộc sống và các giá trị của Sei-katsu-sha, cũng như khơi dậy những ý tưởng mà các doanh nghiệp có thể cung cấp cho tầng lớp còn mới mẻ trên thị trường này.
“Cộng đồng người cận giàu” được định nghĩa là những người có thu nhập hàng tháng từ hơn 22,5 triệu đồng đến 60 triệu đồng; vươn lên từ tầng lớp trung lưu bằng chính nỗ lực của bản thân. Đây được xem là một “hình mẫu” truyền cảm hứng cho những cá nhân thuộc tầng lớp này có khát khao trở nên giàu có hơn và luôn phấn đấu để cải thiện. Tuy khả năng chi trả cho cuộc sống của họ không giống như tầng lớp thượng lưu nhưng lối sống của “người cận giàu” dường như dễ tiếp cận hơn. Nguồn cảm hứng của họ đến từ chính lối sống, sự lựa chọn thương hiệu và hành vi tiêu dùng của họ.
Đáng chú ý, tầng lớp xã hội mới đang phát triển này đều đề cao “tự do”. Để hiểu sâu về từ khoá này, HILL Asean Việt Nam đã làm sáng tỏ với 3 góc nhìn. Một là, để cuộc sống không bị giới hạn: Nghĩa là có khả năng mở rộng cuộc sống và sự lựa chọn của mình bằng việc tích lũy kinh nghiệm và các kết nối. Hai là, để làm cho gia đình hạnh phúc: Nghĩa là có đủ khả năng và tài chính để mang lại hạnh phúc cho những người thân yêu của họ. Ba là, để thể hiện sự tiến bộ và vị thế của bản thân: Chính là được công nhận sự tiến bộ ở hiện tại và tiềm năng trong tương lai.
Dựa vào những luận điểm trên và kết quả nghiên cứu, HILL Asean Việt Nam đã định danh “Người cận giàu tại Việt Nam” như sau: The proud mind-freedom seeker (Người kiêu hãnh tìm kiếm sự tự do trong tâm trí). Nghĩa là, họ tự hào rằng họ đã thành công đạt được “lối sống tự do của riêng mình” chính nhờ sự nỗ lực và niềm tin vào khả năng cũng như vận mệnh của bản thân. Tuy nhiên, họ vẫn chưa tự hào về vị trí hiện tại và luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ để phát triển bản thân xa hơn nữa.