Năm 2022, An Giang đón khoảng 7,5 triệu lượt khách du lịch; tăng 127% so với cùng kỳ, ước đạt 163% so với kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ, ước đạt 157% so với kế hoạch. Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang nhấn mạnh đến sự cần thiết của yếu tố kết nối trong quảng bá du lịch.
Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi vẻ đẹp “non nước hữu tình” và hiện có 15 khu, điểm tham quan du lịch, trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng trong và ngoài nước như Khu du lịch Quốc gia Núi Sam (Châu Đốc), Khu du lịch Núi Cấm, Điểm du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên)… An Giang được xem là một điểm đến “an toàn – thân thiện – hấp dẫn”.
Thế nên, các tour du lịch ngắn ngày được thiết kế lịch trình kỹ càng liên kết có hiệu quả giữa các điểm đến trong tỉnh triển khai chiến lược marketing du lịch, mở bán trên các trang thương mại điện tử. Song, tỉnh còn đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch giữa An Giang với TP. HCM hay với các Cụm liên kết khác thuộc khu vực phía Tây ĐBSCL.
Du khách đặt tour xong chỉ cần cầm chiếc điện thoại thông minh và an tâm trải nghiệm hành trình mình đăng ký. Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam.
Theo tinh thần “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngành du lịch tỉnh An Giang tận dụng lợi thế sẵn có, tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo và khác biệt dựa trên nền tảng các giá trị lịch sử văn hóa dân tộc điển hình như Đồi Tức Dụp. Đồng thời còn bổ sung loại hình du lịch mang tính sáng tạo dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ tiêu biểu như: “Khu tham quan điện mặt trời An Hảo”.
Đặc biệt nổi tiếng với loại hình “Du lịch tâm linh” Thiên Cẩm Sơn còn được mệnh danh là thánh địa check - in của giới trẻ hay đệ nhất sống ảo tiếp tục là một gợi ý không thể bỏ qua trong dịp nghỉ lễ Tết năm nay. Không còn hoang vu như xưa kia nữa mà đã được đầu tư mở đường, hệ thống cáp treo hiện đại cho du khách lên đỉnh hành hương, tham quan chiêm bái chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, Phật Di Lặc, hay khám phá hồ Thủy Liêm…
Riêng Núi Cấm – khu du lịch trọng điểm của tỉnh, trong năm qua đã xuất hiện nhiều hoạt động du lịch mới như homestay, trekking, caravan…Đồng thời triển khai trồng cây xanh làm đẹp cảnh quan, lắp đặt đèn chiếu sáng, thay mới hệ thống bảng quảng cáo, trang hoàng tươm tất theo chủ đề ngày Tết sẵn sàng đón khách, hứa hẹn sẽ mang lại những con số ấn tượng cho ngành trong năm mới.
Du khách có thể trải nghiệm khám phá các động, điện, tắm suối, leo núi. Núi Cấm vừa có danh lam thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, vừa là nơi tín ngưỡng tâm linh, cùng những đặc sản núi rừng như bánh xèo nhân măng tre núi ăn cùng rau rừng với hương vị đậm đà khó nơi nào có được.
Tương lai, Khu du lịch Núi Cấm sẽ tiếp tục được đầu tư để phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo như: du lịch tâm linh, khám phá, nghỉ dưỡng… và là điểm du lịch trọng tâm của tỉnh An Giang.
Ngành du lịch với tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê cháy bỏng hứa hẹn sẽ nỗ lực xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, hy vọng sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7-7,5% trong năm 2023.