Tính đến 30/4/2019, toàn tỉnh Hải Dương có 201/220 xã đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiến tới phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đóng góp vào thành công chung về xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hải Dương không thể không kể tới sự tiên phong của Agribank Hải Dương với vai trò dẫn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Nhằm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, Agribank Hải Dương đã triển khai ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh đồng hành với Agribank trong tổ chức thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thông qua hai tổ chức hội này, Agribank đã thành lập các tổ vay vốn nhằm chuyển tải vốn nhanh nhất, thuận lợi và hiệu quả nhất đến bà con nông dân có nhu cầu vay vốn để chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, hạn chế nạn tín dụng đen ở nông thôn. Tính đến 30/4/2019, toàn tỉnh Hải Dương có 655 tổ vay vốn, trong đó qua Hội nông dân tỉnh 436 tổ, qua Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh 215 tổ với trên 15.000 thành viên đang vay vốn và tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng.
Trong những năm qua, Agribank Hải Dương luôn là đơn vị dẫn đầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh về thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn. Tín dụng tăng trưởng hàng năm trên 10% trong khi tỉ lệ nợ xấu thấp, chỉ 0.37%. Tính đến 30/4/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 21.465 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 12.655 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 9.980 tỷ đồng, chiếm 81,3%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Từ tháng 3/2019, chi nhánh đã triển khai chương trình cho vay tiêu dùng hạn chế tín dụng đen đạt 29 tỷ đồng. Ngoài ra chi nhánh hiện đang thí điểm cho vay thấu chi qua thẻ đối với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Ngoài việc cung cấp đầy đủ nguồn vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank Hải Dương còn nỗ lực triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, các sản phẩm mới đến bà con nông dân thông qua 30 điểm giao dịch trên toàn tỉnh, qua các “chân rết” là các tổ vay vốn cắm rễ đến từng thôn, xã, khu dân cư của tỉnh. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Hoài – Tổ trưởng tổ vay vốn, thôn Hòa Xá, xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương cho hay: Hiện ông đang quản lý 40 hộ với dư nợ trên 7 tỷ đồng, các món vay từ 200-300 triệu đồng, mục đích vay vốn của bà con chủ yếu là sản xuất chăn nuôi kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Khi có mục đích vay vốn, bà con liên hệ với tổ trưởng vay vốn, tổ trưởng đề xuất với ngân hàng từng trường hợp cụ thể, với những món vay dưới 100 triệu đồng có thể giải ngân trong ngày, những món vay 200-300 triệu bà con sẽ được giải ngân sau 2-3 ngày. Thông qua tổ vay vốn, nguồn vốn ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng vốn của bà con trong sản xuất kinh doanh và đời sống. Hơn 20 năm làm công tác hỗ trợ vay vốn, ông đã không nề hà quản ngại khó khăn, thể hiện vai trò kết nối giữa người dân và ngân hàng.
Tháng 01/2018, Agribank tỉnh Hải Dương triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng tại huyện Thanh Hà và đã mang lại hiệu quả to lớn đối với bàn con nông dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng, thuận tiện. Mô hình trên đã đem lại hiệu quả cao, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng, vừa giảm tải nhân lực, chi phí cho ngân hàng. Qua hơn một năm hoạt động, điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã có trên 4.000 lượt khách giao dịch với số tiền giao dịch trên 800 tỷ đồng.
Hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương có sự cạnh tranh gay gắt, các NHTM không ngừng mở rộng thị phần với các SPDV ngày càng đa dạng, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng cao. Song song với việc tăng trưởng huy động vốn, dư nợ, các NHTM tích cực bán chéo SPDV, khai thác triệt để lợi thế sẵn có, tìm cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong lĩnh vực SPDV hiện đại nhằm tăng nguồn thu dịch vụ. Phát huy lợi thế cạnh tranh về mạng lưới, lực lượng lao động, với mục tiêu góp phần thay đổi tư duy của khách hàng về SPDV của Agribank, chi nhánh đã tích cực tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm tiện ích, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Trong 3 năm gần đây, Agribank Hải Dương luôn dẫn đầu thị phần trên địa bàn tỉnh. Chi nhánh hiện có 30 điểm giao dịch, 29 máy ATM, 34 điểm POS, phát hành 294.700 thẻ ATM, có 773 đơn vị trả lương qua tài khoản, 130.095 khách hàng dụng dịch vụ Agribank E-mobilebanking, 14.525 khách hàng sử dụng dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản, 39.696 khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện trực tuyến, 1.904 khách hàng sử dụng dịch vụ Internet Banking...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Hồng Phúc - Giám đốc Agribank Hải Dương cho biết: “Với phương châm tiếp cận khách hàng bằng uy tín và chất lượng, Agribank Hải Dương luôn chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập và hiện đại hóa công nghệ. Hiện nay, Agribank Hải Dương đang bố trí đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, nhiệt huyết để phục vụ khách hàng tận tình, chu đáo. Với mục tiêu lấy khách hàng là trọng tâm, Agribank Hải Dương luôn quan tâm đổi mới phong cách giao dịch. Đây cũng là một trong những yếu tố làm tăng sức cạnh tranh của Agribank tỉnh trên địa bàn”.
Không chỉ là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp, Agribank Hải Dương còn hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn của Agribank nhiều người đã trở thành tỉ phú như trường hợp chị Nguyễn Thị Mến ở Tứ Kỳ - Hải Dương. Khởi nghiệp kinh doanh từ năm 1995 với vỏn vẹn 3 triệu đồng làm vốn, đến năm 1997 chị bén duyên, vay vốn của Agribank. Với số vốn vay khiêm tốn ban đầu là 18 triệu đồng, chị vừa kinh doanh, vừa nợ trả gối các đại lý lớn. Nhờ sự chịu thương chịu khó, xông xáo trong làm ăn cộng với sự tiếp sức về vốn của Agribank trong từng giai đoạn, hiện nay chị đã là chủ cơ sở kinh doanh tư nhân Thùy Mến với 3 cơ ngơi đồ sộ vừa làm cơ sở kinh doanh của gia đình vừa cho thuê, tạo công ăn việc làm cho 35 lao động trên địa bàn. Dư nợ hiện nay của cơ sở kinh doanh do chị làm chủ bình quân trên dưới 20 tỷ mỗi năm. Chị Mến tâm sự: “Agribank là nơi đã cho tôi những đồng vốn đầu tiên khởi nghiệp, được như ngày hôm nay tôi vô cùng trân trọng sự giúp đỡ đó. Hiện nay rất nhiều ngân hàng chào mời vay vốn với mức lãi suất ưu đãi nhưng tôi luôn chung thủy cùng Agribank – ngân hàng đồng hành cùng tôi suốt hơn 20 năm qua”.
Đánh giá về những đóng góp của Agribank tỉnh Hải Dương trong việc phối hợp với các tổ chức hội trên địa bàn để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Vũ Văn Hợp – Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ nhận định: "Hệ thống ngân hàng nói chung và đặc biệt là Agribank là ngân hàng tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, hỗ trợ vốn vay cho người dân góp phần đẩy lùi tín dụng đen. Hiện nay 100% hộ dân cư trên địa bàn đều được tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội”.
Khẳng định cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của chi nhánh, Agribank tỉnh Hải Dương luôn đồng hành, quan tâm và tập trung tối đa nguồn lực cho các địa phương trong tỉnh nhằm góp phần chung sức cùng cả nước xây dựng thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.