Vietnam Airlines xoay xở vượt bão COVID

Đối diện với làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của ngành hàng không, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đa dạng hoá nguồn thu, góp phần thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Chú thích ảnh
Máy bay của Vietnam Airlines. Ảnh: TTXVN

Thành lập hãng hàng không chở hàng chuyên biệt 

Bên cạnh những khó khăn, thách thức do đại dịch, ngành hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng đã tập trung đẩy mạnh lĩnh vực vận tải hàng hoá. 

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà cho hay, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hãng đã tiến hành hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350/A321 để chở hàng trên khoang hành khách, giúp tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8 - 2 lần so với chở hàng tại khoang bụng.

Cụ thể, Vietnam Airlines đã tháo ghế 5 tàu bay chuyên chở hành khách bao gồm 2 tàu A350, 3 máy bay A321 để vận chuyển hàng hóa. VietnamAirlines cũng đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng. 

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines nhấn mạnh, những nỗ lực này giúp doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh và chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng trong khi giai đoạn trước dịch chỉ chiếm 9%. Năm 2020, Vietnam Airlines đứng đầu trong các hãng hàng không Việt Nam về thị phần vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế.

Trước đó, Vietnam Airlines đã có đề án thành lập hãng hàng không chở hàng chuyên biệt. Tuy nhiên, việc thành lập hãng này trong thời điểm dịch bệnh đang được cân nhắc. 

Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà lý giải: "Việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn từ đội tàu bay, mạng bay để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Về phía Vietnam Airlines cũng đã tổ chức bay hàng hoá vài năm trước nhưng chưa đem lại hiệu quả".

"Đến thời điểm dịch bệnh hai năm 2020-2021, hãng mới tăng cường sử dụng máy bay chở hàng. Hãng coi đây là bước tập dượt quan trọng cho khối hàng hóa của Tổng công ty và hãng để hoàn thiện đề án thành lập hãng hàng không chở hàng chuyên biệt ngay sau dịch bệnh", Tổng giám đốc Lê Hồng Hà nói.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 11,4%/năm trong giai đoạn 2010-2019. Dự báo có thể đạt tăng trưởng trung bình 12%/năm trong giai đoạn 2020-2030.

Dù việc thành lập hãng hàng không chở hàng hoá là câu chuyện của thời gian tới, song với lợi thế trong ngành hàng không về đường bay, mạng bay và số lượng máy bay chở hàng, Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh vận tải hàng hóa để bù đắp doanh thu sụt giảm từ hành khách, đồng thời thực hiện đảm bảo kết nối giao thương.

Hiện Vietnam Airlines đồng thời sở hữu nhiều công ty "ăn nên làm ra" trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hoá, logistics, kho bãi, vận tải… tại các sân bay lớn trên cả nước như Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam là Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất… 

Sẵn sàng cạnh tranh tại thị trường ngách

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, Vietnam Airlines đã thông qua chủ trương bán 6 tàu bay ATR-72 cũ để thay thế bằng các tàu bay phản lực nhằm tăng cường cạnh tranh tại thị trường ngách hoặc các sân bay không khai thác được bằng đội tàu bay Airbus A320, A321 trở lên. Đây cũng là biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí, đảm bảo ổn định khai thác và nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hiện các tàu bay ATR72 đang được sắp xếp khai thác trên các đường bay đến các sân bay hạn chế, không tiếp cận được dòng tàu bay từ A320 trở lên, bao gồm: VCS (Côn Đảo), VKG (Kiên Giang), CAH (Cà Mau), DIN (Điện Biên) với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ATR72 là loại tàu bay cánh quạt, tốc độ chậm và ồn hơn tàu bay phản lực nên không đảm bảo cạnh tranh cả về tải cung ứng, dịch vụ cũng như tối ưu đội bay so với tàu bay phản lực khu vực (Regional Jet – RJ). 

Trong khi đó, cuối năm 2020, Bamboo Airways đã đưa đội tàu bay RJ vào khai thác các đường bay đi Côn Đảo, Rạch Giá với lợi thế đặc biệt khai thác trực tiếp từ khu vực phía Bắc đi Côn Đảo. "Việc này đã làm sụt giảm hiệu quả khai thác và hiệu quả tài chính của đội bay ATR72 của Vietnam Airlines", vị đại diện hãng này cho biết thêm.

Cùng với đó, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra định hướng của Chính phủ trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay địa phương bao gồm Côn Đảo, Kiên Giang, Cà Mau, Điện Biên lên cấp 4C tiếp nhận được tàu bay A320/A321 và tương đương. Như vậy, lợi thế khai thác của tàu ATR72 đến các sân bay địa phương trước đây sẽ bị mất dần đi. 

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, Vietnam Airlines sớm tính đến việc đưa loại tàu bay tương đồng như tàu bay RJ vào khai thác thay thế tàu bay ATR72 để cạnh tranh với đối thủ, đảm bảo năng lực cạnh tranh tại các sân bay địa phương. Đồng thời, nâng cao hiệu quả khai thác khi phối hợp khai thác các đường bay có dung lượng thị trường nhỏ, mới, từ đó đảm bảo đạt mức thị phần mục tiêu. 

Theo Vietnam Airlines, việc đưa tàu bay RJ vào khai thác thay thế tàu bay ATR72 sẽ được triển khai theo từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch bán tàu bay ATR72.

Giai đoạn đầu, Vietnam Airlines dự kiến sẽ thuê ngắn hạn tàu bay phản lực khu vực theo các hình thức thuê có tổ bay (thuê ướt) hoặc không có tổ bay (thuê khô) để khai thác thử nghiệm, đo lường mức độ phản ứng của thị trường và đánh giá thực tế hiệu quả tài chính của đội bay mới này. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng phương án khai thác dài hạn loại tàu bay RJ phù hợp thay thế tàu bay ATR72 trong tương lai. 

Năm 2021 được đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức với ngành hàng không song những điểm sáng về tiêm chủng vaccine và hộ chiếu sức khỏe điện tử đang mang đến cơ hội "mở cửa bầu trời".

Với những biện pháp đa dạng hoá nguồn thu, Vietnam Airlines sẵn sàng chủ động ứng phó khó khăn nhằm đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất 37.364 tỷ đồng, tương đương 88,4% so với năm 2020 mà hãng đã đề ra tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Trên thị trường, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines luôn biến động trước tình hình diễn biến dịch bệnh. Hiện cổ phiếu này đang giao dịch ở mức 24.150 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch 26/7).

Diệp Anh (TTXVN)
Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí 190.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19
Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí 190.000 bộ kit xét nghiệm COVID-19

190.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 đã được Vietnam Airlines vận chuyển miễn phí từ Đức về Việt Nam trên chuyến bay mang số hiệu VN36 hạ cánh ở Nội Bài lúc 13 giờ 33 phút ngày 28/6. Đây là những bộ kit xét nghiệm do chính quyền và nhân dân một số bang của Đức gửi tặng Chính phủ, nhân dân Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN