Theo đó, các ngân hàng cam kết là: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Các tổ chức tín dụng (TCTD) và Vietnam Airlines đang tích cực thực hiện các thủ tục, đàm phán thống nhất ký kết hợp đồng tín dụng để sớm giải ngân cho vay.
Số tiền trên nằm trong gói cho vay tái cấp vốn của NHNN với các TCTD sau khi các TCTD cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh với lãi suất 0%. Khoản cho vay được tự động gia hạn 2 lần tại thời điểm đến hạn và thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn (không quá 1 năm). Như vậy, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.
Trước đó, Vietnam Airlines đã có kiến nghị gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng) để tháo gỡ khó khăn vì COVID-19. Vietnam Airlines cho biết, dù phục hồi toàn bộ thị trường nội địa nhưng Vietnam Airlines vẫn bị thất thu hơn 60% doanh thu do các đường bay quốc tế vẫn chưa được mở lại.
Tháng 11/2020, Quốc hội đã ra nghị quyết cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đến cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định đồng ý để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay trước 31/12/2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.
Theo Quyết định, TCTD cho Vietnam Airlines vay có trách nhiệm xem xét và quyết định việc cho Vietnam Airlines vay theo Nghị quyết và quy định của pháp luật; theo dõi riêng khoản vay của Vietnam Airlines theo Nghị quyết; thỏa thuận với Vietnam Airlines về lãi suất, số tiền, thời hạn vay, hình thức bảo đảm tiền vay..., phù hợp với khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, tài sản bảo đảm của Vietnam Airlines và tình hình tài chính của Vietnam Airlines đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19; chịu trách nhiệm về quyết định cho vay đối với Vietnam Airlines.
Ngành hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản vì COVID-19
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, trong đó, Bộ này cho biết dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Thậm chí, Vietnam Airlines đang đứng bên bờ vực phá sản.
Cụ thể: Báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy hãng dự kiến lỗ trên 10.000 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm nay, trong khi đó, số nợ phải trả quá hạn là 6.240 tỷ đồng. Năm 2020, hãng ghi nhận 40.600 tỷ đồng doanh thu, giảm 69% so với năm liền trước và lỗ sau thuế hợp nhất 11.100 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại hiện chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không thể giải ngân tiếp cho Vietnam Airlines, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.