Nhằm giới thiệu về hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý đang được áp dụng tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Khối EFTA, sáng 27/5 tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ và Ban thư ký EFTA tổ chức Hội thảo về “Chỉ dẫn địa lý”.Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã trao đổi về hệ thống bảo hộ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) của các nước EFTA và mối quan hệ giữa bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EFTA với bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU.
Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên từ Việt Nam được EU công nhận chỉ dẫn địa lý. Ảnh: Internet
|
Qua đó, các cơ quan liên quan của Việt Nam hiểu biết rõ hơn về việc đăng ký bảo hộ GI tại châu Âu và sẽ chủ động hơn trong việc đưa ra đề xuất bảo hộ GI đối với các sản phẩm của Việt Nam. Đây cũng là diễn đàn để phía Việt Nam trình bày quan điểm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam.
Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, hiệp hội sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên cả nước như sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, chè Mộc Châu, nón Huế, cà phê Buôn Ma Thuột…
Từ câu chuyện về nước mắm Phú Quốc của Việt Nam được đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ tại thị trường châu Âu, các chuyên gia nước ngoài rút ra bài học cho các sản phẩm khác mang đặc trưng của Việt Nam.
Chỉ dẫn địa lý là những từ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Khái niệm về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã hình thành ở Pháp vào đầu thế kỷ XX, được biết đến là Tên gọi Xuất xứ hàng hóa. Sau đó, nó được nâng lên tầm quốc tế, đặc biệt trong Cộng đồng châu Âu, và được thừa nhận năm 1994. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tức bảo hộ độc quyền của cư dân thuộc một vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có nguồn gốc từ vùng đó. |
Tuy vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý là tương đối mới đối với Việt Nam, nhưng trong thực tế Việt Nam đã thực hiện việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm theo yêu cầu của một số nước đối tác và cũng có yêu cầu được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một số mặt hàng nông sản tiêu biểu, có uy tín.
Để được bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, ngoài việc đăng ký theo đúng yêu cầu và thủ tục của nước sẽ bảo hộ theo cách đúng chuẩn, trong thực tế thương mại quốc tế hiện đại, một số nước đã thỏa thuận về bảo hộ GI đối với một số sản phẩm cụ thể khi đàm phán các thỏa thuận thương mại, như đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các hiệp định hợp tác, đối tác...
Hội thảo này cũng nằm trong các hoạt động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam với Khối các nước EFTA. Trong khuôn khổ đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, các nước EFTA đã thường xuyên đưa ra yêu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Hoàng Dương