Kinh nghiệm đăng ký và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý

Hội thảo về bảo hộ và đăng ký Chỉ dẫn địa lý (GI) (ảnh) do Tổng cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc Ủy ban châu Âu) tổ chức, vừa diễn ra tại Hà Nội, đã mang tới cho các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của Việt Nam nhiều kinh nghiệm trong việc đăng ký và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. "Trong bối cảnh Việt Nam và EU đang đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), các đại biểu châu Âu tham dự hội thảo đã góp phần làm rõ những lợi ích của cả hai bên mà các điều khoản cụ thể của hiệp định về bảo hộ Chỉ dẫn địa lý có thể mang lại", đại diện doanh nghiệp Việt Nam cho biết.


Tại Hội thảo, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Franz Jessen, phát biểu: “FTA sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đăng ký để được bảo hộ trực tiếp các sản phẩm truyền thống của mình tại Liên minh châu Âu thông qua hiệp định. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm đó tại thị thường quốc tế”.


Các diễn giả nhấn mạnh, nhìn chung các sản phẩm GI được bảo hộ có giá bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại không có GI. Thực tế cho thấy, các chương trình bảo hộ có tác động kinh tế - xã hội tích cực và quan trọng đối với nhiều vùng nông nghiệp và nông thôn xa xôi, nơi phần lớn các sản phẩm này được sản xuất và chế biến. Điều này đúng cho cả EU lẫn Việt Nam. Để minh họa cho những thuận lợi này bằng các ví dụ cụ thể, các nhà sản xuất đại diện cho các sản phẩm GI châu Âu như Champagne, Parmiggiano Reggiano và Arroz de Valencia đã giải thích về những lợi ích của các chương trình bảo hộ đối với sản phẩm của họ cả trong và ngoài EU. Trường hợp Phú Quốc, một nhà sản xuất GI của Việt Nam mới được đăng ký tại EU, đã mở đường cho việc đăng ký các sản phẩm GI khác của Việt Nam tại EU.


P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN