Đề cập về lý do thoái vốn này, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines cho hay, Vinalines quyết định bán đấu giá cổ phần của Vitranschart là để phân tán rủi ro. Ngành vận tải biển là ngành có nhiều rủi ro thể hiện qua việc tăng, giảm giá liên tục trong thời gian qua.
Vì vậy, Nhà nước không nên kiểm soát chi phối ở ngành vận tải biển. Cụ thể, Nhà nước chỉ nên duy trì khoảng 36% - 49% tại những doanh nghiệp vận tải biển, còn lại nên thoái vốn đề cho các thành phần kinh tế khác tham gia. Thậm chí, có thể nghiên cứu giảm tiếp việc năm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo Vinalines, hiện Tổng công ty đang nắm giữ 58,03% vốn điều lệ tại Vitranschart. Số cổ phần được Vinalines dự kiến đấu giá chuyển nhượng lần này là 13,4 triệu cổ phần, tương đương 22,03% vốn điều lệ với giá khởi điểm là 1.200 đồng/cổ phần.
Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 8 giờ 30 phút ngày 5/12/2018 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Dự kiến, số cổ phần lần này nếu được bán ra thành công, Vinalines sẽ thu về hơn 16 tỷ đồng.
Vitranschart tiền thân là Công ty Vận tải biển miền Nam, được thành lập năm 1975. Ngành nghề kinh doanh chính gồm kinh doanh vận tải đường biển, đường thủy, khai thác cảng biển, cảng sông; kinh doanh kho, bãi; dịch vụ logistics...
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018, các mảng kinh doanh của Vitranschart lỗ lên tới 182 tỷ đồng; lỗ luỹ kế là 1.485 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 860 tỷ đồng. Tính đến hết quý III/2018, tổng tài sản của Vitranschat là 1.367 tỷ đồng; trong đó, nợ phải trả lên tới 2.228 tỷ đồng (vượt 63% tổng tài sản).