Nhờ vậy, tỉnh Tuyên Quang đã thoát khỏi nhóm có điểm chỉ số thấp vươn lên nhóm có điểm số khá trong các tỉnh, thành phố cả nước và đứng vị trí 5 trong 14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Chương trình cà phê doanh nhân tỉnh Tuyên Quang. |
Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tuyên Quang đứng vị trí thứ 45 trong bảng xếp hạng với 57,43 điểm, tăng 3 bậc và tăng 0,62 điểm so với năm 2015. Nhằm tạo bước “đột phát” trong việc cải thiện chỉ số PCI, Tuyên Quang là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện Chương trình Cà phê doanh nhân (năm 2014) và có nhiều sáng kiến trong cải thiện chỉ số PCI.
Ông Trần Ngọc Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, Trưởng Ban chỉ đạo PCI của tỉnh Tuyên Quang cho biết: Cà phê doanh nhân không nâng được vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Tuyên Quang nhưng đã đem lại sự gần gũi, mối quan hệ hết sức thân thiện giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp.
Những vướng mắc của các doanh nghiệp được giải quyết nhanh chóng, thậm chí có những việc chưa được giải quyết ở cơ quan thì ngay tại Cà phê doanh nhân có thể giải quyết nhờ có sự chia sẻ hiểu biết lẫn nhau. Cà phê doanh nhân còn giúp tập hợp đông đủ lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh ngồi cùng các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc.
Theo ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết: Cà phê doanh nhân đã đưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành đến gần với doanh nghiệp hơn. Đến thời điểm này, chương trình không chỉ giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp mà còn giúp các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng doanh nghiệp bàn chiến lược phát triển.
Sự “lan tỏa” của Cà phê doanh nhân đã một phần làm thay đổi tư duy giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phục vụ doanh nghiệp. Ngoài tổ chức Chương trình Cà phê Doanh nhân, tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện các giải pháp để cải thiện chỉ số PCI như: Hỗ trợ doanh nghiệp trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm.
Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang tập trung hoàn thành đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu của Khu công nghiệp Long Bình An và các cụm, điểm công nghiệp; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư; xây dựng và ban hành khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường.
Riêng với các cán bộ, công chức có hành vi giải quyết thủ tục hành chính không đúng quy định, kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu với người dân, tỉnh nhất quyết xử lý nghiêm để tạo môi trường trong sạch và làm gương cho các cán bộ khác.
Mặc dù tăng 3 bậc, nhưng trong các chỉ số thành phần PCI của Tuyên Quang vẫn có 4 chỉ số giảm so với năm 2015. Cụ thể, gồm: gia nhập thị trường; chi phí không chính thức; hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý.
Do vậy, để tiếp tục cải thiện và nâng cao chỉ số PCI, tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các doanh nghiệp cần bám sát vào chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể là phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản và công nghiệp phụ trợ; phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa và các sản phẩm có thế mạnh; phát triển du lịch.
Đây chính là những định hướng phát triển của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới để các doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng định hướng chiến lược cho mình.
Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức lãnh đạo, tạo dựng bộ máy chính quyền liêm chính, phục vụ văn hóa ứng xử văn minh, thân thiện với doanh nghiệp; giảm tối thiểu 30% thời gian doanh nghiệp và người dân thực hiện các thủ tục hành chính... Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến 2020, vào tốp 20 trong bảng xếp hạng PCI.