Tổ hợp tác đoàn kết trên biển

Trong những ngày qua, trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc về việc đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ngư dân tỉnh Bình Thuận vẫn quyết tâm ra khơi bám biển khai thác hải sản và bảo vệ vững chắc vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Ngư dân Bình Thuận ra khơi bám biển.


Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Bình Thuận, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 300 tàu cá với hơn 2.500 ngư dân đang đánh bắt trên vùng biển Trường Sa. Bên cạnh đó, còn hàng trăm tàu dịch vụ hậu cần hải sản cũng đang hoạt động trên vùng biển này để hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày. Tại cảng cá Phan Thiết, La Gi, Liên Hương…, những ngày này tấp nập tàu cá vào bờ sau chuyến đi biển dài ngày, cũng như những tàu cá đang chuẩn bị ngư cụ tiếp tục ra khơi.


Ngư dân Nguyễn Trần Nghĩa (Phan Thiết) cho biết: “Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Ngư dân chúng tôi ra Biển Đông đánh bắt hải sản, dừ phía Trung Quốc đang có những hành động trái phép đến vùng biển của nước ta. Cuộc sống gắn liền với biển đảo quê hương, nên chúng tôi sẽ tiếp tục gắn bó, không e ngại gì cả. Khi tôi ra khơi, bên cạnh các tàu cá của bà con ngư dân, còn có các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, biên phòng hỗ trợ. Bởi vậy, ngư dân chúng tôi không đơn độc, mà luôn được tiếp sức để yên tâm vươn khơi, đánh bắt tại các vùng biển của Tổ quốc”.

 

Tàu đánh bắt xa bờ trên đảo Phú Quý (Bình Thuận).


Để hỗ trợ ngư dân bám biển, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều chính sách thiết thực, trong đó việc thành lập các mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Sự ra đời của Nghiệp đoàn nghề cá Bình Hưng (Phan Thiết) đã được ngư dân đồng tình ủng hộ và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao. Sau đó, các nghiệp đoàn nghề cá ở các huyện Tuy Phong, Phú Quý và thị xã La Gi tiếp tục được thành lập. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 4 nghiệp đoàn nghề cá với tổng số 54 tàu và 600 đoàn viên.


Bà Lê Thị Bạch Phượng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận cho biết: “Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân và chăm lo đời sống cũng như bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho ngư dân. Các thuyền trưởng và ngư dân an tâm hơn trong việc ra khơi, bám biển, cùng nhau hỗ trợ khi có sự cố xảy ra...”. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 8.000 tàu thuyền, với tổng công suất gần 738.000 CV; trong đó có khoảng 650 tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ, làm dịch vụ hậu cần, thu mua, sơ chế sản phẩm trên biển.


Bên cạnh các nghiệp đoàn nghề cá, từ năm 2008 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thành lập trên 600 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với sự tham gia của hơn 4.000 thuyền công suất lớn. Đây là mô hình hợp tác giúp đỡ nhau trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm đánh bắt hải sản và hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ, an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.


Có thể nói, hàng nghìn tàu Bình Thuận đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam là một sức mạnh vững chắc khẳng định chủ quyền, góp phần bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc. Ông Đỗ Minh Thông, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá thị xã La Gi cho biết: Chúng tôi kêu gọi bà con ngư dân nghiệp đoàn tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết trên biển, kiên định bám sát ngư trường tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Những tàu cá trong nghiệp đoàn đều đang hành nghề trên vùng biển Trường Sa. Mọi diễn biến xảy ra trên biển đều được anh em trong nghiệp đoàn thông tin cho nhau để nắm bắt tình hình.


Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam đã cản trở đến việc đánh bắt cá của ngư dân tại khu vực này.


Để tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân, Chi đoàn của các Sở, Ban ngành trong tỉnh đã tặng cờ Tổ quốc cho các ngư dân. Những lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên mỗi chiếc thuyền là hành động khẳng định chủ quyền của đất nước, của dân tộc. Cùng với ngư dân cả nước, hàng ngày ngư dân Bình Thuận vẫn háo hức ra khơi, cùng sát cánh bên nhau bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ nước nhà.


Bài và ảnh: Nguyễn Thanh

Vươn khơi, bám biển - Ngư dân không một ngày xa biển
Vươn khơi, bám biển - Ngư dân không một ngày xa biển

Những chiếc tàu đánh cá vẫn thẳng tiến ra các ngư trường truyền thống từ thuở ông cha là Hoàng Sa, Trường Sa; vừa là tiếp nối cuộc mưu sinh như cách làm của muôn đời, vừa thể hiện quyết tâm bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN