Máy bay của các hãng hàng không đậu tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN |
Tiềm năng thị trường
Thị trường hàng không Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết khi liên tiếp hai hãng hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) và hãng hàng không cổ phần SkyViet đã trình văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải xin cấp phép kinh doanh và thành lập mới trong lĩnh vực vận chuyển hàng không.
Năm 2015 được đánh giá một năm thành công của hàng không Việt Nam. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong bảy thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn từ năm 2014 đến 2017 và sẽ trở thành thị trường hàng không tăng trưởng mạnh thứ ba trên thế giới về lượng khách quốc tế và hàng hóa được vận chuyển.
Tại thị trường trong nước, IATA cho rằng, với dân số 90 triệu người, hành khách hàng không nội địa Việt Nam sẽ tăng trung bình 15%/năm trong vài năm tới.
Phát biểu với báo giới trong cuộc họp giao ban quý I/2016 của Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh chia sẻ, thị trường hàng không Việt Nam hiện đang có 4 hãng hàng không nội địa và 53 hãng hàng không nước ngoài tham gia khai thác, bao gồm 48 đường bay nội địa và 98 đường bay quốc tế với sự phát triển rất nóng.
Quý 1/2016, số liệu thống kê của Phòng Vận tải hàng không (Cục hàng không Việt Nam) cho thấy, các hãng hàng không trong nước vận chuyển được hơn 9 triệu lượt hành khách (khách trong nước và khách quốc tế), tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Vietnam Airlines dẫn đầu với 53% thị phần, tiếp theo lần lượt là Vietjet với 32% và Jetstar Pacific chiếm 13% thị phần.
Nếu xét về vận chuyển khách quốc tế, Vietnam Airlines vẫn đang thể hiện vị thế "anh cả" của các hãng nội địa với 35,3% thị phần trong quý 1/2016, trong khi Vietjet chỉ chiếm 5,2% thị phần.
Tuy nhiên, xét về tỷ trọng vận chuyển khách nội địa, sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không trong nước đang tạo ra bước chuyển biến mới khi Vietnam Airlines chỉ còn nắm giữ 43,5% thị phần, giảm 7,2% điểm so với cùng kỳ năm trước, ngược lại Vietjet với mức tăng trưởng 6% điểm so với cùng kỳ năm trước đã nắm giữ 38,8% thị phần nội địa, tiếp theo là Jetstar với 15,6% thị phần và VASCo chiếm 2% thị phần còn lại.
Ngành vận tải hàng không Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới thông qua các chính sách tự do hóa hàng không và mở cửa bầu trời cùng tiến trình hội nhập quốc tế. Việc gia nhập vào sân chơi chung cùng các “ông lớn” của Vietstar Airlines và SkyViet hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều hơn nữa sự cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa.
Gia tăng cạnh tranh?
“Thêm 2 hãng hàng không mới nhưng thực tế là không mới, VASCO là Vietnam Airlines thực hiện cổ phần hóa, còn VASCO vẫn là như vậy. Vietstar vẫn là nhà khai thác tàu bay và mở rộng sang hãng nội địa, nhưng thị phần rất nhỏ. Dù 2 hãng này phát triển mạnh thời gian tới thì thị phần vẫn nhỏ”, Cục trưởng Cục hàng không Lại Xuân Thanh nhấn mạnh.
Theo văn bản của Bộ Giao thông vận tải, Công ty cổ phần Hàng không SkyViet được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) với sự tham gia góp vốn 51% của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) và các đối tác Công ty Quản lý quỹ (Techcom Capital) góp 48% và Công ty Phát triển dự án (Techcom Developer) góp 1% vốn điều lệ.
Với cổ đông lớn vẫn là Vietnam Airlines, SkyViet dự kiến tập trung khai thác đội tàu bay ATR 72, phục vụ cho các chặng bay đi/đến tại các sân bay địa phương, huyện đảo chưa tiếp nhận được tàu bay phản lực (B777, A320/A321) như: Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên…
Vietstar Airlines ra đời từ tháng 4/2010 trên cơ sở liên doanh giữa ba đơn vị, bao gồm: Công ty TNHH MTV Hàng không Ngôi sao Việt, Công ty cổ phần Logistic Ngôi sao Việt và Công ty Sửa chữa máy bay A41 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân; trong đó phần vốn góp của công ty A41 bao gồm giá trị thương hiệu và thương quyền của A41 gắn liền với việc Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng 145,2ha đất quốc phòng tại 3 sân bay: Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài.
Ngay sau thời điểm Vietstar Airlines trình văn bản xin cấp phép khai thác dịch vụ hàng không dân dụng, Vietnam Airlines cũng đã có báo cáo số 411 do Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh ký ngày 9/3 gửi Bộ Giao thông vận tải về phương án tham gia góp vốn vào Vietstar Airlines trên cơ sở nhận chuyển giao phần vốn góp của Công ty A41.
“Sau khi trở thành cổ đông của Vietstar Airlines ,Vietnam Airlines sẽ phối hợp với Vietstar Airlines trong việc đầu tư xây dựng và khai thác quỹ đất hiện có của Vietstar Airlines (khoảng 145,2ha) tại các cảng hàng không quốc tế. Đây là phương án nhanh nhất cho Vietnam Airlines cũng như các đơn vị có vốn góp (Jetstar Pacific, SkyViet, K6) có thể chủ động về cơ sở hạ tầng tại các sân bay căn cứ, phục vụ cho kế hoạch phát triển đội bay, mở rộng mạng bay và nâng cao chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh”, báo cáo này nêu rõ.
Thông qua việc góp vốn vào các hãng hàng không khác nhau, Vietnam Airlines rất có khả năng sẽ là chủ sở hữu của cả 4 hãng, bao gồm: Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, SkyViet và Vietstar Airlines. Kế hoạch này là cơ sở để Vietnam Airlines hoạch định sản xuất kinh doanh dịch vụ trên không cũng như mặt đất, tăng nguồn thu và lợi thế cạnh tranh.
Nhận định về thị trường hàng không nội địa trong các năm tới, ông Lại Xuân Thanh khẳng định, cuộc đối đầu cạnh tranh sẽ vẫn diễn ra giữa “anh cả” Vietnam Airlines và hãng hàng không thế hệ mới Vietjet, cùng xu thế phát triển đội tàu bay hiện đại. “Việc phát triển đội tàu bay càng lớn thì càng tạo sức ép cho thị trường hàng không”, ông Thanh nói.