Thông tin trên vừa được Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) công bố ngày 12/2, sau khi Samsung Heavy Industries Co., một tập đoàn đóng tàu lớn khác của Hàn Quốc, đã tuyên bố ý định không tham gia cuộc đua tiếp quản Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co.
Dự kiến, Hyundai Heavy và KDB sẽ ký một thỏa thuận chính thức vào đầu tháng 3/2019 về thương vụ mua lại nói trên, sau khi hai bên ký kết thỏa thuận tạm thời vào tháng trước. KDB là chủ nợ chính của Daewoo Shipbuilding, sở hữu 55,7% cổ phần trong công ty này.
Theo thỏa thuận ước có giá trị hơn 2 nghìn tỷ won (1,78 tỷ USD), KDB sẽ bàn giao cổ phiếu của Daewoo Shipbuilding mà ngân hàng này nắm giữ cho Hyundai Heavy và mua số lượng cổ phiếu trị giá 1,5 nghìn tỷ won của Hyundai Heavy được phát hành sau đó. KDB cũng sẽ xem xét mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính 1.000 tỷ won cho Daewoo Shipbuilding.
Đổi lại, Hyundai Heavy sẽ được chia thành hai thực thể, với một trong số này sẽ được niêm yết trên thị trường. Hyundai Heavy cũng sẽ bán cổ phiếu của mình cho KDB. Nếu thỏa thuận trên được tiến hành theo kế hoạch, Hyundai Heavy Industries Holdings Co., công ty mẹ của Hyundai Heavy, sẽ nắm giữ 26% cổ phần trong công ty mới, còn KDB sở hữu 18%.
Chủ tịch KDB, Lee Dong-gull, trước đó cho biết thỏa thuận trên dự kiến sẽ được hoàn thành trong 5-6 tháng.
Ngành đóng tàu của Hàn Quốc, từng được coi là nền tảng của tăng trưởng kinh tế và động lực tạo việc làm của “xứ sở kim chi”, đã quay cuồng vì thua lỗ trong vài năm qua do sự sụt giảm của toàn ngành cùng như sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ Trung Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc hy vọng ngành công nghiệp đóng tàu của nước này có thể phục hồi với sự thống trị của hai nhà đóng tàu lớn là Hyundai Heavy và Samsung Heavy nhằm cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ Trung Quốc và ngăn chặn tình trạng bấp bênh của lĩnh vực này.