Sẽ thí điểm và nhân rộng dịch vụ GrabCar

Ngày 26/1, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức triển khai kế hoạch thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (đề án GrabCar).

Gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, TaxiChiềuVề, AdTOS, Vrada hay VinasunApp. Điều này phản ánh xu thế phát triển của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông vận tải của quốc tế và Việt Nam.

Lễ triển khai đề án.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Công ty TNHH GrabTaxi đã đề nghị Bộ GTVT thực hiện đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” và nhận được sự ủng hộ của Bộ GTVT.

Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho biết: “Việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm GrabCar là căn cứ thực tiễn quan trọng để hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến các dịch vụ công nghệ thông tin hỗ trợ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, đặc biệt là quản lý hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng và vận tải khách du lịch”.

Đến nay, sau khi lấy ý kiến các đơn vị có liên quan ở cấp trung ương và địa phương, Bộ GTVT đã có Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016 ban hành Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Công tác thí điểm sẽ được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh) trong vòng 2 năm (từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018). Đơn vị tham gia thí điểm có Công ty TNHH GrabTaxi, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng kết nối xe hợp đồng khác phải tùy vào tính chất, đặc điểm riêng cụ thể để có đề án thí điểm riêng.

Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng đề án trên phạm vi cả nước. Tới nay, Công ty TNHH GrabTaxi, với ứng dụng GrabCar là đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối đầu tiên và duy nhất được công nhận đủ điều kiện thực hiện Đề án.

Giám đốc Marketing Công ty TNHH GrabTaxi, đơn vị cung cấp ứng dụng GrabCar, bà Emily Thư Đỗ cho biết: "Chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ GTVT giúp chúng tôi hoàn thiện Đề án GrabCar, đặc biệt khi đề án được coi là tiền đề cho việc triển khai ứng dụng CNTT vào lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe hợp đồng. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho những đơn vị tham gia đề án, mà còn thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp".
H.Dương
“Giải mã” bản chất kinh doanh của Grab và Uber
“Giải mã” bản chất kinh doanh của Grab và Uber

Câu chuyện mời khách hàng tải phần mềm Grab và Uber để gọi xe hay thực chất những công ty này đã tham gia kinh doanh vận tải không đúng luật tại Việt Nam đang được dư luận quan tâm. Đặc biệt mới đây, giới taxi truyền thống lại phản ứng gay gắt vấn đề này vì cho rằng, có sự cạnh tranh không lành mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN