Theo Thứ trưởng, năm 2015 ghi nhận diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Kinh tế thế giới hồi phục chậm nên nhu cầu về một số mặt hàng, nhóm sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như gạo, cao su, cà phê, tôm, cá tra… suy giảm. Điều này đã tác động tiêu cực đến kim ngạch cũng như giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Sản xuất chế biến cá đóng hộp xuất khẩu tại Kiên Giang. Ảnh: TTXVN |
Trong bối cảnh đó, cả doanh nghiệp và Chính phủ đều có nhiều nỗ lực nên đã duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 11/2015, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 9%.
"Ước tính, hết tháng 12, chúng ta sẽ đạt tăng trưởng xuất khẩu ở mức gần 10% và nhập siêu thì chắc chắn đạt được yêu cầu của Quốc hội kiểm soát dưới 5%", Thứ trưởng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian tới, các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam về xuất khẩu như nông lâm thủy sản sẽ không thể tăng trưởng như giai đoạn trước. Do đó, về trung và dài hạn, Việt Nam phải hướng tới tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Cụ thể, cần tập trung vào nhóm công nghiệp chế biến chế tạo để nâng cao hơn giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ và năng suất lao động. Về phía Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại, nhất là khi các Hiệp định thương mại tự do đã kí kết.