Những bước đi tiên phong trong hành trình tìm động lực tăng trưởng từ ESG

"Ngay từ đầu chúng tôi đã định vị thương hiệu của mình là "Xanh" như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh, việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26", đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Thanh- Tổng Giám đốc GSM toàn cầu Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference), do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức.

Tại Hội thảo “Tìm động lực tăng trưởng từ ESG” (ESG - Motivations and Breakthroughs Conference), do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức sáng 23/5, tại Hà Nội, rất nhiều nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức hàng đầu quốc tế và trong nước, cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước… đã chia sẻ những ý kiến về vấn đề đang rất được quan tâm này.

Ông Patrick Haverman- Phó Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam:

Có những thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của Nhà nước. Cần có một chương trình toàn diện bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức tài chính, và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG theo đúng cách, tập trung vào tính khoa học và tác động thực tế.

Ông Nguyễn Tú Anh- Giám đốc Trung tâm thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương:

Chú thích ảnh

Quan điểm mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận, là quan điểm quá đơn giản và lạc hậu. Kinh tế học dựa trên quan điểm này đã không giải thích được tại sao các tỷ phú lại dành phần lớn các lợi nhuận của mình cho các dự án cộng đồng? Tại sao các ông chủ có tài sản hàng tỷ đô sao không tận hưởng cuộc sống xa hoa mà vẫn phải lao tâm khổ tứ với những dự án lớn đầy rủi ro để có thể mang lại lợi ích cho hàng triệu người?

Rõ ràng, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp phải là mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và cộng đồng, chứ không chỉ là mục tiêu lợi nhuận thô kệch. Tìm kiếm lợi nhuận dựa trên tổn hại lợi ích của người khác, của thế hệ khác, đó không phải là lợi nhuận chân chính.

Do đó, các chuẩn mực ESG chính là thang đo về giá trị chân chính của một doanh nghiệp. Thực hiện ESG không chỉ làm cho doanh nghiệp cảm thấy những thành công của mình thực sự có ý nghĩa hơn, lớn hơn và bao trùm hơn, mà còn giúp cho doanh nghiệp dễ thành công hơn trong bối cảnh mà nhận thức về các vấn đề xã hội, môi trường của cộng đồng ngày càng cao.

Trong một báo cáo ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh: ASEAN”, được công bố vào tháng 6/2020 cho thấy, 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường (Moore, 2022). Số liệu mới nhất từ báo cáo Edelman Trust Barometer (2022) cho thấy cách doanh nghiệp đối xử nhân viên, nhà cung cấp đã và đang ảnh hưởng đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Theo đó, 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu mà họ nhận thấy không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% nói rằng nếu họ cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người thì sẽ không bao giờ tin nhãn hiệu đó nữa. Khi được hỏi về tầm quan trọng của ESG đối với tiếp cận đầu tư trong năm 2022, 26% nhà đầu tư toàn cầu cho biết, ESG là “trọng tâm” trong cách tiếp cận đầu tư của họ.

Có nhiều nghiên cứu cho thấy lợi ích của áp dụng chuẩn mực ESG trong môi trường hội nhập toàn cầu như tăng thị phần, giảm chi phí, giảm áp lực về pháp lý, tối ưu hóa đầu tư và nắm giữ tài sản... Những kết quả nghiên cứu này mặc dù có thể chưa đầy đủ nhưng nó cũng phản ánh một xu hướng khó thể đảo ngược trong hoạt sản xuất kinh doanh ngày nay đó là sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm không chỉ với cộng đồng, với nhân viên với xã hội mà cả với các thế hệ tương lai.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam thì việc ứng dụng ESG không chỉ phù hợp với văn hóa và triết lý Á Đông mà còn là hiện thực hóa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu nghiêm trọng, môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều bất định thì ứng dụng ESG hoặc ít nhất là thấm nhuần tư tưởng của bộ tiêu chí ESG trong điều hành doanh nghiệp sẽ là một hướng tiếp cận quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Hội thảo ngày hôm nay của Báo Đầu tư chính là giúp cho chúng ta rút ngắn khoảng cách về những hiểu biết này để giúp cho kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững hơn, nhân văn hơn và ý nghĩa hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Tổng Giám đốc GSM toàn cầu Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM)

Ngay từ đầu chúng tôi đã định vị thương hiệu của mình là "Xanh", như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh, việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ khi cam kết Net Zero đến năm 2050 tại COP26.

Mong muốn của Xanh SM là tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng và đối tác, do đó sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã có hơn 33 đối tác, 50.000 phương tiện điện hiện diện trên 40 tỉnh thành, giảm hơn 52.000 tấn CO2.

Chú thích ảnh

Xanh SM là nền tảng cung cấp phức hợp 100% thuần điện đầu tiên tại Việt Nam. Chúng tôi phấn đấu phủ xanh Việt Nam cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Xanh SM nỗ lực có mặt tại 60-63 tỉnh thành trong năm 2024, góp phần giảm hơn 52.000 tấn C02, tương đương 860 ha rừng trồng 2,6 triệu cây xanh quang hợp hấp thụ trong vòng 1 năm (đây là tính toán dựa trên tổng số km Xanh SM đi và quy đổi sang số cây xanh do một bên độc lập tiến hành).

Giao thông xanh là xu hướng tất yếu không thể đi ngược được. Quyết định 896 của Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 50% phương tiện giao thông công cộng là xe điện và đến năm 2050 có 100% phương tiện giao thông là xe điện. Xanh SM ra đời phù hợp với tầm nhìn và chiến lược của Quốc gia, không thể đi ngược.

Thị trường giao thông vận tải quy mô 1.4 tỷ USD trong năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 14-21% mỗi năm, đây là thị trường lớn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Lĩnh vực gọi xe trong 20 năm tới tại Việt Nam vẫn còn nhiều tốc độ tăng trưởng. Xanh SM không đi một mình mà đi cùng cộng đồng đó là cộng đồng doanh nghiệp vận tải và các cá nhân, ai cũng có thể trở thành đại sứ xanh.

Chúng tôi đã mở ra một nền kinh doanh mới ESG của Việt Nam và mở rộng ra trên toàn cầu. Xanh SM đặt mục tiêu có mặt tại 7 quốc gia. Xanh SM đã khai trương tại Lào và chuẩn bị có mặt tại Indonesia trong năm 2024. Xanh SM là doanh nghiệp cung cấp nền tàng phức hợp thuần điện duy nhất ở Việt Nam có mặt ở thị trường quốc tế.

Với những nỗ lực ban đầu, Xanh SM mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ, góp sức từ các cơ quan chính phủ, cơ quan ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp để có thể nhân rộng mô hình giao thông xanh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Thị trường xe điện là thị trường rất tiềm năng và được dự báo rằng 22 năm nữa thì vẫn còn giữ tốc độ phát triển như vậy. Lợi nhuận của ngành giao thông vận tải không cao, vậy nên điều cần thiết là giảm chi phí đầu vào. Tuy nhiên đầu vào thì rất cao và biến động tương đối nhiều đối với xe xăng. Xe điện thì tối ưu hơn nhiều khi so sánh chi phí trên 1km.

Để mô hình phát triển cần sự ủng hộ của khách hàng. Người Việt rất quan tâm đến môi trường. Minh chứng là chỉ trong vòng 1 năm qua, Xanh SM đã phục vụ 50 triệu lượt khách hàng, đây là con số ấn tượng đối với một ‘start-up’ về xe điện. Ngoài ra, người nước ngoài thích khi nhìn vào chuyện môi trường và ủng hộ Xanh SM rất mạnh. Chúng tôi đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các khách du lịch nước ngoài sử dụng dịch vụ của chúng tôi cho chuyến đi của họ.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Như - CEO, Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS (WBS):

Chúng tôi rất may mắn được đồng hành cùng Báo Đầu tư trong chuỗi sự kiện RIS.ER24, để cùng chia sẻ mục tiêu và tham vọng tạo nên một diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế đầu ngành cùng các nhóm doanh nghiệp tiên phong nhằm khuấy động và lan tỏa tinh thần trách nhiệm thực thi các tiêu chí, chiến lược và định hướng tăng trưởng bền vững.

Chú thích ảnh

Mục tiêu của WBS là khởi tạo thương mại đa phương và kết nối kinh tế bền vững. Chúng tôi mong muốn được đồng dài dài hạn cùng các doanh nghiệp trong hành trình phát triển xanh, thực hiện cam kết Net Zero của Chính phủ.

Sự ra đời của RIS.ER24 với chuỗi sự kiện sẽ lần lượt được tổ chức từ nay tới cuối năm 2024, mang ý nghĩa chia sẻ và kết nối. Tại đây, chúng tôi mong muốn tạo nên diễn đàn thường xuyên để lắng nghe những kiến giải sâu sắc, những ví dụ sinh động từ các chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức hàng đầu của quốc tế và trong nước và từ chính những doanh nghiệp đi tiên phong mà chúng tôi gọi là các Risers, hay những doanh nghiệp đang nỗ lực bứt phá – những Rapidiers, gọi chung là Ris.er, để hình dung được phần nào những cơ hội mà ESG đem lại cho cộng đồng kinh doanh đang hết sức nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong một môi trường kinh doanh đầy áp lực và biến động.

Ông Matthew Smith- Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Các nhà đầu tư luôn phải tính toán và dự báo giá trị hợp lý của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Dựa trên các tính toán trong thời gian qua, trong bối cảnh các yếu tố khác của doanh nghhiệp không đổi, nếu công ty có chuẩn mực ESG tốt hơn thì sẽ có rủi ro ít hơn. Đây là lý do giá trị của doanh nghiệp thực hành ESG trong mắt nhà đầu tư cao hơn.

Chú thích ảnh

Ban đầu, việc đầu tư ESG có thể gây tranh cãi, bởi việc thực hành ESG đòi hỏi phải bỏ ra nhiều chi phí, ăn vào dòng tiền. Tuy nhiên trong dài hạn, yếu tố ESG sẽ có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, khi có thể làm hài lòng nhà quản lý, đối tác, người mua hàng, từ đó nhận về “phần thưởng”.

Bởi lý do này, từ góc nhìn của nhà đầu tư, Công ty thực hành ESG có thể nâng dòng tiền dự kiến/kỳ vọng trong tương lai, giúp giá vốn mà nhà đầu tư bỏ ra thấp hơn. Về phía doanh nghiệp, thực hành ESG giúp việc huy động vốn hiệu quả hơn, nhất là so với các công ty không thực hiện ESG tốt bằng.

Các yếu tố thúc đẩy thực hành ESG trên toàn cầu đầu tiên xuất phát từ các chính sách đòi hỏi mọi thành viên thị trường phải phân bổ vốn vào ESG: Các định chế tài chính, nhà đầu tư tổ chức cần dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực ESG, doanh nghiệp cũng phải đầu tư vào ESG để tuân thủ các quy định…

Theo số liệu của Bloomberg, tính tới năm 2022, các tài sản ESG trên toàn cầu vào khoảng 30 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên gấp đôi cho tới năm 2030. Tất cả các nhà đầu tư định chế đều có chiến lược phân bổ vốn đầu tư cho ESG.

Một điểm nhấn đáng chú ý là việc đầu tư ESG không chỉ được thúc đẩy bởi nhà đầu tư định chế trước quy định của chính phủ, mà còn có động lực lớn tới từ nhóm nhà đầu tư cá nhân - đối tượng không chịu quy chế bắt buộc nào. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư ESG đã tăng từ 20% năm 2016 lên 25% năm 2018. Theo quan sát của chúng tôi, đây là nhóm nhà đầu tư trẻ, những người sinh sau năm 1990. Người trẻ ngày càng quan tâm và có thái độ nghiêm túc với tương lai.

Ông Nguyễn Giang Nam- Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài trợ dự án, BCG Energy:

BCG Energy là một trong những đơn vị phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu tại Việt Nam với công suất hiện tại khoảng gần 700 MW. Sắp tới với việc phát triển thêm điện sinh khối, sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt… công suất có thể nâng lên 2GW.

Chú thích ảnh

Chúng ta đều biết, việc phát triển năng lượng hoá thạch tiềm ẩn nhiều rủi ro cho môi trường: khai thác than, dầu khí dẫn tới xói mòn đất đát, thềm lục địa… Thuỷ điện cũng gây nhiều biến đổi cho môi trường xung quanh.

Việt Nam đang đặt mục tiêu tiến tới Net Zero, trong quá trình này, phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu. Dự kiến, để đạt được Net Zero, năng lượng tái tạo phải chiếm tới trên 70% nguồn cung ứng điện cho xã hội. 

Theo đó, chúng tôi đang đi đúng định hướng của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu bền vững.  Về hoạt động của Công ty, cuối năm ngoái, chúng tôi đã M&A Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa – đơn vị đã đơn vị đã được cấp phép đầu tư xử lý tồn đọng rác thải sinh hoạt, từ đó tạo ra nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, Kiên Giang.

Trước đó, trong tháng 8/2023, chúng tôi đã ký kết hợp tác với 1 công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á. Chúng tôi muốn minh bạch lượng phát thải của Tập đoàn, các công ty thành viên, bởi việc thực thi ESG trong thực tế vận hành của doanh nghiệp tạo ra uy tín với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua việc này, chúng tôi đã thu hút được khoảng 60 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cũng như có được niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Có thể nói, có nhiều lợi ích mà tập đoàn đã nhận được từ việc thực hành ESG.

Ông Nguyễn Văn Định- Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty CP Én Vàng Quốc tế:

Sau hơn 20 năm qua là doanh nghiệp vận tải có tiếng ở Hải Phòng, trăn trở là tìm phương tiền kinh doanh mang lại hiệu qua đóng góp một phần cho cộng đồng. COP 26 ra đời là cơ hội và bước ngoặt lớn, các cổ đông quyết định từ 2024 không đầu tư xe xăng, chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh. Không gì bằng thực tế trả lời của người lái xe trong quá trình vận hành an toàn, hiệu quả, chi phí rẻ hơn xăng 20-30%, chi phí bảo hành bảo trì cũng rẻ hơn.

Chú thích ảnh

Việc kí kết hợp tác với vinfast như bàn tay nối dài đưa xe điện đến với nhiều khách hàng, chúng tôi đặt mục tiêu giảm các chi phí khác để đi xe điện tiết kiệm hơn so với đi xe xăng.

Hải Phòng luôn vận động nhưng chưa có hỗ trợ, doanh nghiệp cố gắng lấy giá cước xe điện như xe xăng, hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi để tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Phan Đăng Bảo -Chuyên gia Phát triển bền vững, Công ty cổ phần tái chế nhựa Lam Trân:

Lam Trân không chỉ nhấn mạnh vào việc tái chế bao bì nhựa mềm, mà còn cam kết mạnh mẽ với nguyên tắc ESG - Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty.

Chúng tôi không chỉ đặt mục tiêu giảm lượng rác nhựa thải vào môi trường, mà còn tận dụng cơ hội để tạo ra những giải pháp bền vững, tăng cường cộng đồng và thúc đẩy quản trị hiệu quả trong mọi hoạt động kinh doanh của chúng tôi.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Lam Trân luôn mục tiêu hướng đến các giải pháp bền vững, nâng cao chất lượng của sản phẩm để có thể tối ưu và bảo vệ nguồn tài nguyên.

Hiện nay công suất tái chế thành phẩm của Lam Trân ước chừng khoảng 1.000 tấn/ tháng, tương đương với khoảng 2000 tấn nguyên vật liệu rác thải nhựa mềm bao gồm túi nhựa nilon, bao bì thực phẩm... Để dễ hình dung thì sản lượng thu mỗi tháng của chúng tôi khoảng đâu đó 12 triệu m2, tương đương 1.5 lần diện tích của Quận 1.

Mặc dù vậy, việc thu gom, phân loại rác thải nhựa mềm ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn, hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn, cách thức thu gom, phân loại rõ ràng tại nguồn.

Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, chúng tôi phải xây dựng tiêu chuẩn cho nguồn phế liệu đầu vào, đồng thời xây dựng 1 đội ngũ thu gom và phân loại trong nước, đi tới từng hiện trường, từng điểm thu gom để khảo sát, đánh giá và đưa ra các phương án hiệu quả nhất.

Tất cả các hàng rác thải nhựa mềm khi tới nhà máy đều được đánh giá dựa theo tiêu chuẩn của công ty và xử lý theo từng lô hàng. Việc thu gom, phân loại không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt tái sinh đầu ra. Vì vậy chúng tôi luôn phải thực hiện rất cẩn thận và tỉ mĩ ở khâu này.

Chúng tôi rất mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ để có thể phát triển hệ thống thu gom, xây dựng các cơ sở thu gom, phân loại chính thống. Việc áp dụng quy định về EPR trong năm nay sẽ là bước đệm, hy vọng sẽ tạo động lực để thúc đẩy công cuộc tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam, hướng đến sự phát triển bền vững.

 

PV (thực hiện)
Thực thi ESG: Hành trình xanh hóa thị trường vật liệu xây dựng
Thực thi ESG: Hành trình xanh hóa thị trường vật liệu xây dựng

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, một số ngành hàng tiêu biểu như xi măng, thép, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát đều tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất. Việc xanh hóa ngành vật liệu xây dựng đang là hành trình tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN