Đây là dịp để cộng đồng doanh nghiệp và các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi, lắng nghe và cùng tháo gỡ những điểm nghẽn giúp doanh nghiệp phát triển, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhiều khó khăn được chia sẻ
Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình Trần Huy Quân cho biết, Sở đã tổng hợp hơn 50 ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến các sở, ngành, địa phương trả lời doanh nghiệp về nhiều lĩnh vực như vốn, đất đai, giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách; thuế….
Theo ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình, thời gian qua với nhiều giải pháp đồng bộ, tỉnh Thái Bình đã kiểm soát tốt dịch COVID-19, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: việc triển khai thực hiện cơ chế, chính sách của Trung ương, chính sách ưu đãi với doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, các gói hỗ trợ của chính phủ doanh nghiệp còn khó tiếp cận do các quy định, thủ tục pháp lý phức tạp. Thủ tục đầu tư dự án, thủ tục trong lĩnh vực đất đai, môi trường với thời gian giải quyết thủ tục kéo dài, nhất là thời gian giải phóng mặt bằng….
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ Ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19". Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi của Chính phủ.
Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đề nghị chính quyền địa phương sớm xử lý các điểm nghẽn gây ách tắc sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đầu tư, mở rộng sản xuất của doanh nghiệp. Cùng đó, tỉnh thực hiện quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đẩy nhanh đề án chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thích ứng với kinh tế số hiện nay.
Là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Thái Bình với gần 20.000 công nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình Nguyễn Tiến Phương kiến nghị, cơ quan chức năng sớm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho công nhân, người lao động là F0, F1 nhất là trong bối cảnh thời gian qua có số lượng lớn người lao động của công ty mắc COVID-19.
Đây cũng là kiến nghị của ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần gốm sứ Long Hầu. Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp nêu thực tế, nhiều công nhân khi muốn chuyển sang làm việc tại công ty khác nhưng một số chủ doanh nghiệp không hoặc chậm trễ xác nhận chấm dứt hợp đồng lao động, gây khó khăn cho người lao động. Doanh nghiệp kiến nghị ngành lao động đặc biệt là lực lượng thanh tra lao động cần có “kênh mở” để tư vấn, kết nối, trợ giúp người lao động kịp thời.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Tại hội nghị, nhiều vấn đề đã được đại diện Sở, ngành thuộc lĩnh vực quản lý tiếp thu, giải đáp. Ông Phạm Quốc Thái, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát mạnh trong 2 năm trở lại đây, trong khi đó Thông tư 56/2017/TT-BYT quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và luật an toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế do Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2017 chưa quy định cụ thể việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng Bảo hiểm xã hội đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các đơn vị liên quan sửa đổi, bổ sung Thông tư 56/2017/TT-BYT để bảo đảm các quy định phù hợp thực tế. Đây là vướng mắc chung của nhiều địa phương trên cả nước chưa giải quyết thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm xã hội cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà.
Về nguồn vốn cho vay, bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thái Bình khẳng định, dư địa đầu tư trên địa bàn còn khá nhiều. Hiện nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 99.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thời điểm cuối năm 2021; trong đó đầu tư cho khoảng 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với dư nợ cho vay gần 30.000 tỷ.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thái Bình sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh ký kết quy chế phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp nắm được cơ chế, chính sách ngân hàng, đồng thời ký kết một số hợp đồng tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thời gian qua, góp phần tạo bức tranh kinh tế quý I/2022 nhiều khởi sắc với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,44% với tổng giá trị trên 13.800 tỷ đồng; thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đạt kết quả khá với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng gấp 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã yêu cầu Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, các sở, ban, ngành liên quan kịp thời giải đáp, tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Thời gian tới, các sở ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thực chất, hiệu quả, coi khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của mình trên tinh thần tháo gỡ, xây dựng. Các ngành, huyện, thành phố đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung cao cho giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch 146 ngày 3/11/2021 của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.