Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cơ hội tham gia chuỗi cung ứng quốc tế. Tuy nhiên, các DNNVV nước ta lại chưa thực nắm bắt và tận dụng hiệu quả cơ hội này.
Có lợi thế, có khó khăn
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 6 năm 2012, cả nước có khoảng 658.645 DNNVV đăng ký thành lập, trong đó hiện có khoảng 468.023 DN đang hoạt động. Nếu tính số DNNVV theo tiêu chí lao động qua từng năm thì có mức tăng trung bình khoảng 22,11%/năm.
Doanh nghiệp tư nhân Thành Hóa chuyên sản xuất các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, mở rộng sản xuất nhờ vay hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Khi tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, DNNVV đang có những lợi thế. Cụ thể, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Sự gia tăng không ngừng của các chuỗi cung ứng toàn cầu cùng sự phát triển của khu vực dịch vụ và nền kinh tế đã đem đến những thuận lợi cho DN.
Tuy nhiên, trên thực tế, các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn này được nhận diện ở các khía cạnh như khả năng tiếp cận thông tin hạn chế, khả năng quản lý tài chính thấp, năng lực công nghệ vẫn ở mức độ thấp cùng với kỹ năng lao động kém.
Đặc biệt, trình độ và năng lực quản lý của DNNVV còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp; khả năng tham gia phân công lao động quốc tế hạn chế; vị thế thấp trên các thị trường và trong quan hệ kinh doanh quốc tế…
Những khó khăn nội tại khiến DNNVV gặp hàng loạt rào cản khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DNNVV cũng chưa thể sử dụng toàn diện các công cụ kinh doanh mang tiêu chuẩn quốc tế như trong hệ thống kế toán, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các nguyên tắc về quản trị DN hiện đại hay các biện pháp an toàn ở tầm quốc tế...
Đầu tư mạnh cho năng lực cạnh tranh
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH & ĐT cho biết: Để hỗ trợ DNNVV từng bước tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là về vấn đề tài chính, Bộ KH & ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập quỹ Phát triển DNNVV từ cuối năm 2011 và hoàn chỉnh đề án theo các ý kiến đóng góp. Vốn điều lệ của quỹ này khoảng 2.000 tỷ đồng với mục tiêu của dự án là tài trợ và cho vay ưu đãi các dự án, danh mục sản xuất kinh doanh thuộc danh mục ưu tiên của quỹ...
Chính phủ sẽ tiếp tục có những chính sách nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho khu vực này như: hỗ trợ về khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng đồng tình rằng vấn đề nâng cấp các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh cho DN hiện được coi là vấn đề quan trọng. Về phía các doanh nghiệp phải nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ, xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm tốt, phát triển nguồn nhân lực, nâng trình độ chuyên môn và xây dựng được khả năng linh hoạt, thích ứng khi điều kiện thị trường thay đổi.
Bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng cần tập trung tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ như sửa đổi cơ chế quản lý đầu tư, khuyến khích tư nhân trong và nước ngoài đầu tư vào các ngành, sản phẩm quan trọng có hệ số lan tỏa và độ nhạy cảm lớn, có năng suất và năng lực cạnh tranh cao. Phát triển các mạng và chuỗi giá trị sản xuất có lợi thế, phù hợp với các vùng, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng, từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và phân phối toàn cầu.
Về phía Chính phủ cần có chính sách phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, công nghiệp phụ trợ hiệu quả bao gồm cả phần cung ứng cũng như phần mềm là các chính sách đi kèm hỗ trợ; có chương trình khuyến khích về tài chính như tài trợ DNNVV để phát triển năng lực bản thân họ trong lĩnh vực marketing, chăm sóc khách hàng; thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực có tiềm năng gia nhập các chuỗi cung ứng quốc tế; tăng cường thực hiện các chính sách phát huy tính minh bạch, đặc biệt liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu...
Quang Toàn