Đồng Nai - cửa ngõ đông bắc của TP Hồ Chí Minh, là bản lề của vùng miền Đông Nam bộ mở lối ra biển qua ngả Vũng Tàu, là cầu nối giữa vùng Nam Trung bộ, Nam Tây Nguyên với TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.
Thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Ảnh: Báo Đồng Nai |
Với vị trí địa kinh tế và địa chiến lược này, từ xa xưa, khi những di dân Đại Việt đi mở nước đã chọn cù lao Phố làm nơi dừng chân và xây dựng thành phố thị Nông Nại - Đại phố sớm bậc nhất ở Nam bộ; làm nên một Đồng Nai - Biên Hòa, bức thành đồng giữ nước và “vùng công xưởng” lớn hàng đầu của đất nước cho đến tận ngày nay. Nhìn vào dấu ấn của lịch sử hơn 300 năm qua để thêm một lần nữa nhận chân giá trị của vùng đất này mà tìm ra lợi thế không nơi nào có được của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính vì có tầm nhìn kế thừa và phát huy này mà Đồng Nai những năm gần đây đã tạo nên dấu ấn cho lịch sử đương đại; ấy là chiến lược giữ gìn, tôn tạo, khai thác dòng sông Đồng Nai và cù lao Phố; từ đó tạo ra nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững và lâu dài.
Ấn tượng rõ nét nhất của năm 2012 đi qua cầu Hóa An, ta thấy một cây cầu lừng lững vượt qua ngã tư hai bên cầu đang dần hình thành bên cạnh cây cầu cũ. Trên cây cầu này nhìn về tả ngạn sông Đồng Nai là một bờ kè đẹp và hiện đại như “ôm trọn” nội đô thành phố Biên Hòa bởi một dải công viên xanh sạch đẹp. Bờ kè và công viên dọc sông Đồng Nai được xây dựng đã trả lại cho dòng sông và TP Biên Hòa cái hồn cốt nguyên thủy của nó; và khi kết hợp với qui hoạch phát triển cù lao Phố thành một trung tâm thì chúng ta nhận ra tầm nhìn đương đại được tích hợp với các giá trị lịch sử sẽ làm nên một Biên Hòa - Đồng Nai công nghiệp hóa, hiện đại hóa mang tính nhân văn sâu sắc và vươn tới tầm cao văn hóa.
Đây chính là tầm nhìn (chiến lược) về phát triển bền vững của Đồng Nai.
Tuy nhiên, để tầm nhìn thành hiện thực cần phải có những biện pháp đột phá. Vậy biện pháp đó là gì? Đó chính là dự án chưa có tiền lệ đang được triển khai: Di dời toàn bộ KCN Biên Hòa I nhằm bảo vệ môi trường sông Đồng Nai và xây dựng khu vực này thành khu đô thị thương mại hiện đại, mở thêm một kênh kết nối với TP Hồ Chí Minh; cũng có nghĩa là khai thác lợi thế trung tâm của vùng đất Biên Hòa từ thuở cha ông đi mở nước - trung tâm của miền Đông Nam bộ. Vị trí địa chiến lược, địa kinh tế của Đồng Nai- Biên Hòa đang biến thành lợi thế cho sự phát triển bền vững với tư duy/biện pháp đột phá này.
Đồng Nai năm 2012 mặc dù phải chịu ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khó khăn kinh tế trong nước nhưng kinh tế vẫn giữ mức tăng trưởng 12,1%, GDP bình quân đầu người 1.977 USD, nằm trong tốp đầu những địa phương có nhịp độ tăng trưởng cao trong toàn quốc. Đây chính là kết quả của cách làm ăn căn cơ, bài bản và sự điều hành chỉ đạo chủ động của lãnh đạo tỉnh. Chỉ ra nguyên nhân của thành công này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nói ngắn gọn: “Đồng Nai lúc nào cũng nhất quán quan điểm là tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất”. Vì thế, Đồng Nai luôn có cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư; bảo đảm mọi thuận lợi cho sản xuất. Kết quả của chính sách và sự điều hành này là năm 2012 sản xuất công nghiệp Đồng Nai tăng đều cả năm. Hai phần ba số ngành sản xuất công nghiệp có mức sản xuất tăng so với năm 2011 như: sản xuất da và các sản phẩm da tăng, sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất, sản xuất cao su và các sản phẩm plastic, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất giường tủ, bàn ghế; ngành dệt tăng, ngành sản xuất trang phục... Đặc biệt trong năm 2012 Đồng Nai còn chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như cơ khí chế tạo, điện - điện tử, chế biến thực phẩm sạch…
Trong tổng số 35 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã đạt và vượt 32 chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Trong đó, 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu Nghị quyết gồm: thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 11.000 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 26.926 tỷ đồng (không tính nguồn thu xổ số kiến thiết), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi, tỷ lệ ấp khu phố văn hóa và tỷ lệ hộ gia đình văn hóa. |
Để phát huy những thành tựu mang ý nghĩa bền vững của năm 2012, năm 2013 Đồng Nai sẽ thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển kinh tế xã hội. Chẳng hạn như tập trung chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, thân thiện môi trường; từng bước chuyển từ gia công, lắp ráp sang chế tạo; phát triển nông sản hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu như cà phê, cao su, hạt điều nhân; xây dựng thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, ngành dịch vụ mũi nhọn có lợi thế như dịch vụ vận chuyển, kho bãi, cảng vận, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng, viễn thông - công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học - công nghệ, đào tạo, thương mại; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển bền vững. Đồng thời, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc theo hướng ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, công nghiệp sạch thân thiện với môi trường, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị…
Tuy nhiên để những biện pháp này thực sự phát huy hiệu quả, thì điều tâm huyết nhất của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái là phải chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách hỗ trợ để thu hút và sử dụng nhân tài; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái khẳng định, Đồng Nai luôn ghi nhớ “nằm lòng” việc tăng cường bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Cách nay khoảng hơn 10 năm, Biên Hòa còn là một đô thị nửa làng, nửa phố. Ngay trong “vùng lõi” Biên Hòa còn những địa danh của một thời gian khổ còn sót lại: Chợ Lò Bò, xóm Lò Heo, Dốc Sỏi, Ngã Ba Thành…Thế mà nay những địa danh ấy đã đi vào quá khứ. Những vùng đất chỉ nghe đã gợi lên sự nhọc nhằn ấy nay đã là công viên, là khu đô thị, đường phố khang trang. Biên Hòa đã mang diện mạo của một thành phố công nghiệp hiện đại. Hào khí Đồng Nai từ Trấn Biên - Biên Hùng thuở trước lại dâng trào và kết tinh vào mỗi bước đi đầy tự tin của mỗi con người Đồng Nai hôm nay trên con đường phát triển bền vững.
Hoàng Quân