Trước đây, mỗi năm, Công ty Cung ứng Nhân lực và Xuất Nhập khẩu Thiên Ân (TAMAX GROUP) Thanh Hóa đưa được khoảng 2.000 đến 2.500 lao động sang làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khu vực châu Âu; trong đó riêng thị trường Thanh Hóa đưa được khoảng 600-700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu, công tác đưa người đi xuất khẩu lao động của công ty gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt được khoảng 50%. Do tâm lý người dân sợ dịch không mạnh dạn đi; một số nước đóng cửa thị trường lao động; thủ tục cấp visa, nhập cảnh nhiều gián đoạn. Mặt khác, các địa phương trong tỉnh tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên việc tuyên truyền về xuất khẩu lao động còn nhiều hạn chế…
Để tiếp tục duy trì hoạt động, chờ thị trường xuất khẩu lao động “hồi phục”, công ty đã sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, chạy online quảng cáo, tư vấn qua điện thoại; thông qua các kênh hướng nghiệp của nhà trường lồng ghép các chủ trương, chính sách hỗ trợ của công ty đến với học sinh, người lao động; tổ chức thi tuyển đơn hàng qua online…
Bên cạnh đó, công ty gửi thông tin tuyển dụng nhờ địa phương tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh. Thời điểm giãn dịch, công ty kết hợp với các ngành, đoàn thể ở địa phương mở các đợt tư vấn trực tiếp ở các thôn, bản để giải thích cho người dân về các thị trường lao động đang cần; mức lương; chế độ chính sách được hưởng khi tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, riêng thị trường Thanh Hóa, công ty đã đưa được 170 lao động sang Rumani; đang hoàn tất các thủ tục để đưa tiếp 120 lao động sang Rumani làm việc tại các nhà máy chế biến thực phẩm.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cung ứng Nhân lực và Xuất Nhập khẩu Thiên Ân Thanh Hóa cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu lao động dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn xây dựng kế hoạch cho năm 2022. Theo đó, công ty phấn đấu đưa được hơn 1.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, riêng thị trường Thanh Hóa đưa đi khoảng 500-600 lao động. Thời gian tới, địa phương nào có độ an toàn cao, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền để tăng cường công tác truyền thông; đề xuất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có các chuyến bay hồi hương, đưa lao động đã hết hạn hợp đồng trở về để ổn định tâm lý cho người lao động. Ngoài các thị trường truyền thống được duy trì, công ty sẽ khai thác thêm một số thị trường tiềm năng ở châu Âu như: Đức, Ai-len…
Hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hơn 10 năm, nhưng dịch bệnh COVID-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Công ty cổ phần hợp tác lao động quốc tế Vinaco. Nếu như thời điểm dịch bệnh chưa xuất hiện, hàng năm công ty đưa hàng nghìn lao động đi xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, châu Á; tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát, số lượng lao động đăng ký tham gia giảm tới 60%.
Để biến thách thức thành thời cơ, chuẩn bị nguồn nhân lực cho các thị trường, chờ thời điểm hồi phục, Công ty cổ phần hợp tác lao động quốc tế Vinaco đã linh hoạt trong việc tìm kiếm đơn hàng, nhất là trong thời điểm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chưa tiếp nhận lao động ngoài nước, thì thị trường châu Âu - Rumania đang được công ty lựa chọn. Trong điều kiện dịch bệnh khắp toàn cầu đã khiến nhiều nhà máy, công ty trong cả nước ngừng hoạt động, hàng nghìn lao động ở vùng dịch trở về địa phương hiện chưa có việc làm, công ty đã tăng cường với các địa phương tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp để thu hút lượng lao động này tham gia xuất khẩu lao động. Bởi đây là những lao động đã có sẵn kỹ năng, tay nghề nên thuận lợi cho công tác đào tạo.
Công ty thường xuyên đấu mối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nắm bắt những thị trường nào chuẩn bị mở cửa để tiếp nhận lao động; các điều kiện, điều khoản để được xuất cảnh… Qua đó, công ty có định hướng để tuyên truyền và phối hợp với các địa phương hoàn tất các thủ tục cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lao động được xuất cảnh.
Ông Nguyễn Luyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần hợp tác lao động quốc tế Vinaco chia sẻ, dịch COVID-19 đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng không ngoại lệ. Dự báo thời gian tới, thị trường xuất khẩu lao động sẽ được phục hồi, do một số nước đang dần khôi phục kinh tế và mở cửa trở lại các nhà máy, xí nghiệp. Hiện nay, công ty vẫn tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, liên kết đào tạo nghề… để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho thị trường xuất khẩu lao động sắp tới
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trong điều kiện dịch COVID-19 nhưng các cấp, ngành và địa phương cùng với các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã nỗ lực vượt khó để giữ vững các thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc … Bên cạnh đó, một số thị trường các nước khu vực Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã đưa được 19.706 lao động đi làm việc tại nước ngoài, riêng 10 tháng năm 2021 đã đưa được gần 4.000 lao động xuất cảnh.
Xuất khẩu lao động không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt làng quê, mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, khi nhiều lao động hết thời hạn về nước đã thành lập doanh nghiệp, làm trang trại... tạo việc làm cho người dân trên địa bàn.