Doanh nghiệp Việt xúc tiến thương mại tại tỉnh Val-de-Marne, Pháp

Ngày 23/6, một phái đoàn các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với các doanh nghiệp của Pháp, đặc biệt là các doanh nghiệp của tỉnh Val-de-Marne (thuộc vùng Ile-de-France), nhằm giới thiệu và quảng bá về thị trường Việt Nam cũng như tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Pháp và châu Âu.

 

Cuộc gặp do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Cơ quan phát triển của tỉnh Val-de-Marne tổ chức, tập hợp nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn của Việt Nam như Tập đoàn dệt may, Tập đoàn than và khoáng sản, Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty thiết bị điện Việt Nam, Tập đoàn may Nhà Bè… Tại buổi gặp, đại diện tỉnh Val-de-Marne đã giới thiệu những lợi thế cạnh tranh và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp địa phương cũng như các thế mạnh về hạ tầng và ưu đãi pháp lý của tỉnh Val-de-Marne đối với các doanh nghiệp đến đầu tư và triển khai các dự án hợp tác.

 

Phát biểu tại cuộc gặp, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, đã giới thiệu những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu các loại thiết bị máy móc nhằm phát triển kinh tế, các thủ tục pháp lý và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

 

Quang cảnh buổi xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam tại tỉnh Val-de-Marne.


Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông cho biết hoạt động này nằm trong chuỗi các hoạt động của Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh. Theo ông, Pháp tiếp tục là một trong những thị trường hàng đầu trong các nước Liên minh châu Âu (EU) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2013, giá trị trao đổi thương mại hai chiều đạt 3,5 tỷ euro, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Pháp hơn 2 tỷ euro. Hiện nay, các nhóm hàng Việt Nam vào Pháp có kim ngạch cao là hàng dệt may, thủy sản, đặc biệt là máy móc linh kiện điện tử.

 

Ông cũng cho biết những thuận lợi của thị trường Pháp như chính sách khá ổn định và minh bạch, đặc biệt là cơ hội sẽ được mở ra theo hướng minh bạch hơn và ưu đãi hơn sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký kết vào cuối năm nay Hiệp định Thương mại tự do. Pháp là thị trường có sức tiêu thụ lớn với 65 triệu người tiêu dùng và là một nước công nghiệp pháp triển. Pháp cũng là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận các nước khác trong khu vực châu Âu. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng cùng với mối quan hệ truyền thống giữa hai nước, các cơ hội phát triển và mở rộng hợp tác về thương mại và đầu tư sẽ ngày càng được mở rộng giữa hai nước.

 

Nhân dịp này, ông Jacques Fourvel, đại diện của tập đoàn Casino, tập đoàn có trụ sở tại tỉnh Val de Marne, đã bày tỏ sự hài lòng với thành công của chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam do tập đoàn đầu tư: “Big C trở thành một địa chỉ quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi đã thành công trong việc cung cấp các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng với giá cả hợp lý. 95% các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất tại Việt Nam. Chúng tôi sử dụng 8.000 nhân công tại Việt Nam trong đó chỉ có khoảng 30 người Pháp”.  Ông cũng cho biết Casino đang xây dựng các dự án nhằm mở rộng đầu tư tại Việt Nam và bày tỏ mong muốn nhập hàng Việt Nam để phân phối trong hệ thống của Casino trên toàn thế giới.

 

Phần tiếp theo của buổi gặp gỡ là các trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai bên nhằm tìm hiểu nhu cầu và khả năng xâm nhập thị trường, các cơ hội hỗ trợ và bổ sung trong sản xuất và xuất khẩu để tăng cường khả năng liên kết và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

 

Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

 

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam năm 2014 diễn ra ngày 19/6 tại TP Hồ Chí Minh, TS Marc Faber - chiến lược gia nổi tiếng thế giới, cùng lãnh đạo Quỹ Red River Holding, PXP Vietnam, Asia Frontier Capital... đều cho rằng, Việt Nam đang là một địa chỉ thu hút các nhà đầu tư...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN