Doanh nghiệp Quảng Ninh vực dậy sau bão số 3

Trong đợt bão số 3 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh ước thiệt hại đến ngày 12/10 là khoảng 28.000 tỷ đồng; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề, có những doanh nghiệp thiệt hại lên đến 100 tỉ đồng, tuy nhiên họ vẫn không khuất phục mà đang nỗ lực từng ngày để làm lại, đó là ghi nhận của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các doanh nghiệp tại chương trình gặp mặt Kỷ niệm 20 năm thành lập ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13/10/2004 - 13/10/2024) được tổ chức chiều 12/10.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy phát biểu tại sự kiện.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đánh giá cao, đồng thời tri ân sâu sắc đến sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt trong bão số 3 vừa qua, rất nhiều các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, có nhiều doanh nghiệp thiệt hại 70 - 100 tỉ đồng, nhưng bằng nghị lực, bằng trách nhiệm với người lao động, với xã hội, các doanh nghiệp này vẫn quật cường đứng dậy sau bão, khắc phục khó khăn để khôi phục lại sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định, cùng với sự phát triển của các hội, các doanh nghiệp Quảng Ninh cũng phát triển nhanh và theo hướng bền vững. Nếu như vào những năm 2004 toàn tỉnh chỉ có 1.202 doanh nghiệp với quy mô nhỏ, tạo việc làm cho trên 140.000 lao động, chưa đóng góp được nhiều vào nền kinh tế. Đến nay, sau 20 năm phát triển, toàn tỉnh có số doanh nghiệp là 11.669, tăng gấp 9,7 lần so với năm 2004, tạo việc làm cho trên 250.000 lao động với 3 doanh nghiệp tư nhân nằm trong Top 500 lớn nhất Việt Nam (VR500); có 681 hợp tác xã ; 38.141 hộ kinh doanh. Trong đó doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân chiếm 97,95%; Doanh nghiệp có vốn nhà nước  chiếm 0,81%; Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 1,24%.

Đặc biệt trong 9 tháng năm 2024 có 1.342 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,6% so cùng kỳ, đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay. Số lượng doanh nghiệp giải thể thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ và cảm ơn chính quyền, các ban, ngành của tỉnh thời gia qua đã có nhiều đổi mới để phục vụ doanh nghiệp, điển hình là chương trình cà phê doanh nhân, qua đó đã góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông Thể mong muốn tỉnh tục tổ chức hoạt động này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh cũng đề xuất tỉnh kiến nghị với Chính phủ, bộ nghành trung ương có điều chỉnh, mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiên tai, bão lũ tại một số chính sách đã được ban hành. Từ đó giúp các các doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giãn, giảm lãi suất để các doanh nghiệp có điểm tựa để phục hồi.

Theo ông Thể hiện nay mặc dù đã có một số doanh nghiệp được hỗ trợ giảm, giãn lãi ngân hàng, tuy nhiên thời gian ngắn, chỉ đến hết năm 2024 nên chưa có tác động lớn đến phục hồi của doanh nghiệp.

Ngoài ra theo ông Thể, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cần có chỉ đạo tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính; các sở, ngành địa phương tích cực giải quyết nhanh gọn các thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hơn nữa. Ngoài ra Hiệp hội đề nghị tỉnh nghiên cứu chính sách miễn, giảm tiền thuê đất sau bão. Cùng với đó là cần tái cơ cấu lại ngành nghề, điều chỉnh quy hoạch để phù hợp hơn, bởi sau bão số 3 đã xuất hiện việc các ngành nghề không còn phù hợp với quy hoạch trước đó.

Chú thích ảnh
9 tập thể được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đồng tình với các kiến nghị của các doanh nghiệp. Đồng thời giao cho các cơ quan liên quan tổng hợp và  tham mưu phương án giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Đối với những vấn đề bất cập được chỉ ra cần sớm có giải pháp để hạn chế lãng phí, tổn thất cho doanh nghiệp. Đặc biệt Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị các ngành chức năng sẽ giảm tối đa các cuộc thanh, kiểm tra từ nay đến cuối năm, và hướng tới năm 2025.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin, địa phương đã kiến nghị Chính phủ có điều chỉnh, mở rộng đối tượng là doanh nghiệp được hỗ trợ đối với một số chính sách, Nghị quyết, chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuế, cùng các nội dung khác liên quan đến vấn đề tiền tệ.

Tỉnh sẽ quan tâm đến việc rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết để phù hợp với ngành nghề sau bão số 3, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật. Đồng thời khẳng định sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe những tâm tư, chia sẻ để kịp thời tháo gỡ.

Chú thích ảnh
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, bà Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh trao bằng khen cho hai cá nhân.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân; UBND tỉnh Quảng Ninh trao bằng khen cho 9 tập thể đã có nhiều thành tích trong xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh.

Tin, ảnh: Thanh Vân (TTXVN)
Doanh nghiệp ứng phó ra sao với tăng giá điện?
Doanh nghiệp ứng phó ra sao với tăng giá điện?

Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức tăng giá lần này đã được nhiều doanh nghiệp dự báo và chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tác động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN