Phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp

Chiều ngày 11/10, UBND tỉnh An Giang tổ chức buổi họp mặt doanh nghiệp nhằm vinh danh các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt thành tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh An Giang tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Tại buổi họp mặt, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang khẳng định, tỉnh luôn xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, và đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có vị trí, vai trò quan trong, đóng góp to lớn đối với sự phát triển của tỉnh. An Giang luôn thực hiện nhất quán chủ trương “chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ” cùng cộng đồng doanh nghiệp, với phương châm “lấy doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến doanh nghiệp” và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật để cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Theo UBND tỉnh An Giang, 9 tháng năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh nền kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trong nước. Kết quả tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 6,54%, tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước (6,41%). Trong số đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,10%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,42%; khu vực dịch vụ tăng 7,58%. Đặc biệt, tỉnh đón lượng khách du lịch cao kỷ lục với 8,5 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 9.700 tỷ đồng.

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn An Giang lớn mạnh cả về số lượng và tầm vóc. Toàn tỉnh hiện có khoảng 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp trên 60% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 36 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư 261 triệu USD, tạo việc làm cho 16.800 lao động. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp gia nhập thị trường gần 890 doanh nghiệp, tăng 10,16% so với cùng kỳ cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đối với tỉnh An Giang là rất lớn.

Tại buổi họp mặt, cộng đồng doanh nghiệp An Giang chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong đầu tư, kinh doanh. Đồng thời phản ánh những vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, kiến nghị UBND tỉnh có nhiều giải pháp tháo gỡ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Ông Hồ Văn Mừng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang biểu dương tinh thần vượt khó, nỗ lực duy trì hoạt động, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh và đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong suốt thời gian qua. Đồng thời, mong muốn cộng đồng doanh nghiệp đề xuất, hiến kế để kinh tế - xã hội của tỉnh khôi phục và phát triển tốt nhất trong giai đoạn mới. 

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cam kết với cộng đồng doanh nghiệp tỉnh sẽ ban hành các chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ; khơi tăng nguồn lực, thu hút đầu tư; góp phần nâng cao vị thế của tỉnh, tạo lợi thế cạnh tranh, đưa An Giang phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN, ông Mừng đề nghị, các sở, ban, ngành và UBND các huyện kịp thời tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, sản xuất - kinh doanh và mở rộng kinh doanh các ngành nghề trực tiếp sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng, bảo vệ và phát huy thương hiệu sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tại buổi họp mặt, UBND tỉnh An Giang trao tặng Bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho 1 tập thể và 8 doanh nhân có thành tích trong hoạt động xây dựng và phát triển kinh tế An Giang.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao Quyết định công nhận Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2024. Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN.

Chiều 11/10, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị gặp gỡ và vinh danh doanh nhân tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2024, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024).

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời nhấn mạnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn được khuyến khích và tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để hoạt động, từ đó ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm quốc gia.

Ông Lữ Quang Ngời cam kết với cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đến năm 2030 tỉnh sẽ phát triển được 5.700 doanh nhân, tăng 44% so năm 2023. Bên cạnh đó, Vĩnh Long đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp huyện để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đề nghị các sở, ngành, địa phương phải luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức về thái độ phục vụ người dân và doanh nghiệp. Các hội, hiệp hội phát huy vai trò cầu nối, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp, tìm giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần chủ động xây dựng chiến lược dài hạn, xác định kế hoạch cụ thể phù hợp với năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi số; tiếp tục đồng hành cùng với địa phương tích cực hỗ trợ, tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Tường Nam cho rằng, sự phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa tỉnh Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố trong vùng. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức để tỉnh trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, Vĩnh Long phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp và ngành nghề nhưng chưa phát triển được doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp xã hội... Điều này làm hạn chế cung cấp các sản phẩm - dịch vụ hỗ trợ cũng như vận dụng cách chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Tấn Thụ cho biết, những khó khăn về nguyên liệu sản xuất, chi phí sản xuất tăng, đơn hàng suy giảm, lãi suất ngân hàng trong nước cao đã làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tiếp tục gây áp lực không nhỏ đến quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế. Doanh nghiệp mong muốn lãnh đạo tỉnh thường xuyên lắng nghe những ý kiến, đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ khó khăn trong chính sách ở tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng kết nối của tỉnh tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Đặng Ngọc Lòng, Giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đánh giá cao phương châm “trải thảm đỏ để đón đầu tư”  và sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong quá trình đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Nhờ kết quả kinh doanh thuận lợi, công ty Acecook Việt Nam đã quyết định mở rộng kế hoạch đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long. Mới đây, công ty đã tiến hành xây dựng mới nhà máy sản xuất các sản phẩm ăn liền có quy mô đầu tư lớn, lên đến 200 triệu USD, dự kiến thu hút trên 3000 lao động địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Đặng Văn Chính, kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,03%; thu ngân sách đạt 85% dự toán; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 12,75%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 739 triệu USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước…

Toàn tỉnh hiện có gần 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân của tỉnh luôn năng động, sáng tạo, chủ động hội nhập, đã từng bước khẳng định được vị thế trong khu vực và trong nước, tiếp cận với thị trường quốc tế. Cùng với thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp và doanh nhân còn tích cực tham gia vào các chương trình an sinh xã hội tại địa phương.

Dịp này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã trao Quyết định công nhận 14 Doanh nhân tiêu biểu tỉnh Vĩnh Long năm 2024.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho đại diện các tập thể là hội viên CBA có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Chiều 11/10, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ (CBA) tổ chức Hội nghị chào mừng kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024).

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, ngày 13/10 hàng năm trở thành ngày Doanh nhân Việt Nam kể từ năm 2004, nhằm khuyến khích và tôn vinh vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân vì những cống hiến, đóng góp cho phát triển đất nước.

Hiện nay, đội ngũ doanh nhân thành phố Cần Thơ ngày càng phát triển lớn mạnh, có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Theo ông Dương Tấn Hiển, năm 2024 là năm để thành phố bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 của thành phố Cần Thơ tiếp tục duy trì trên đà phát triển và đạt được những kết quả khả quan, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn 9 tháng năm 2024 tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước (xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố; 4/5 thành phố lớn; 9/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long). Đạt được những kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp và của các doanh nhân của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố được xác định là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó cần phát huy vai trò này trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, khoa học công nghệ. Đồng thời, tận dụng lợi thế về hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không để phát triển thành phố trở thành trung tâm kết nối vùng.

Để đạt được mục tiêu này, Trung ương và thành phố đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam, cầu Cần Thơ 2, đường sắt cao tốc, mở rộng sân bay quốc tế Cần Thơ. Cùng với đó, thành phố cũng phát triển hệ thống cảng biển, cảng sông, đặc biệt là cảng Thốt Nốt, cảng Cái Cui và thêm một cảng biển ở khu vực quận Ô Môn để trở thành trung tâm logistics của vùng.

Thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, tăng tỷ trọng đất phi nông nghiệp lên trên 50% vào năm 2030 để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và hu hút các nhà đầu tư lớn như VSIP, Thanh Bình - Phú Mỹ để phát triển các khu công nghiệp…

Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp bằng kinh nghiệm thực tiễn tích cực tham gia hiến kế, những chủ trương, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Thành phố sẽ ghi nhận những ý kiến phản hồi, góp ý, chia sẻ thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, thành phố cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư để doanh nghiệp doanh nhân yên tâm đầu tư và kinh doanh hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ cho biết, trong những năm gần đây, chính quyền thành phố Cần Thơ đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Sự quan tâm và đồng hành của UBND thành phố đã tạo điều kiện để các sở, ban, ngành hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp. Tiếng nói của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ cũng được lắng nghe, góp phần vào việc hoạch định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Năm 2024, CBA đang xây dựng một website để tất cả các hội viên có điều kiện kết nối, mua bán, trao đổi thông tin với Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành cũng như đào tạo, thu hút nhân lực phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp mình. Với đặc thù của thành phố Cần Thơ chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Hào cho biết CBA đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên tham gia vào hệ sinh thái này để có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh với tinh thần doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng nhau phát triển.

Dịp này, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Cần Thơ cũng trao Quyết định bổ nhiệm 2 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên Ban chấp hành của Hiệp hội nhiệm kỳ 2022 - 2027. Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ tặng Bằng khen cho 14 tập thể và 3 cá nhân là hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố có thành tích xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Nhân kỷ niệm 79 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/1945 - 13/10/2024), ngày 11/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu với sự tham gia của hơn 100 doanh nhân, doanh nghiệp đại diện cho trên 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, trên địa bàn hiện có 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động và có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết các điểm nghẽn trên quan điểm nhanh nhất, hiệu quả nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, tỉnh đã và đang tập trung triển khai thực hiện với “Một chiến lược”, “Hai chuyển đổi”, “Ba nền tảng”, “Bốn trụ cột” và “07 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá”.

Mục tiêu đưa Ninh Bình đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam Đồng bằng sông Hồng, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 41 ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc về cơ chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn trong phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực triển khai thực hiện các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch…

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức đại diện, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước; tạo dựng và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hợp tác tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp; tiếp tục khơi dậy, động viên cổ vũ tinh thần khởi nghiệp bằng việc thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp tại các huyện, thành phố, các vườn ươm khởi nghiệp.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tận dụng thời cơ từ bên ngoài, xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh khoa học linh hoạt, chuyên nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch sản xuất đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tiễn...

Thay mặt công đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh, ông Nguyễn Xuân Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã luôn đồng hành, hỗ trợ thiết thực, giúp cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển. Đồng thời khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp sẽ phát huy kết quả đã đạt được, đoàn kết, sáng tạo hiện thực chiến lược sản xuất kinh doanh, để thành công và phát triển bền vững, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước.

Thanh Sang - Phạm Minh Tuấn -  Thanh Liêm - Đức Phương (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Tôn vinh hơn 170 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024
TP Hồ Chí Minh: Tôn vinh hơn 170 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu năm 2024

Chiều 11/10, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024) và tôn vinh hơn 170 doanh nghiệp, doanh nhân TP Hồ Chí Minh tiêu biểu năm 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN