Doanh nghiệp Đà Nẵng mong muốn kéo dài thời gian hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh

Nhiều chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở Đà Nẵng cho rằng Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 chính là những biện pháp hỗ trợ rất cần thiết nhưng cần kéo dài thêm thời gian để thực sự phát huy hiệu quả.

Chú thích ảnh
Công nhân Công ty TNHH Lafien Vina (Khu công nghiệp Hòa Khánh mở rộng, thành phố Đà Nẵng) thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch khi lao động. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Ngày 19/10 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; trong đó, quy định chi tiết các đối tượng là doanh nghiệp, hộ kinh doanh được miễn, giảm nhiều loại thuế trong năm 2021. Tại Đà Nẵng, nhiều chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh chung quan điểm, đây chính là những biện pháp hỗ trợ rất cần thiết nhưng cần kéo dài thêm thời gian để thực sự phát huy hiệu quả.

Theo Nghị quyết số 406, các hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và IV của năm 2021.

Chị Hồ Thị Thương - chủ cửa hàng đồ trang trí LUXI Decor, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, cửa hàng của chị chuyên bán các mặt hàng trang trí cho khách sạn, hàng quán và cho du khách nên khi ngành du lịch thành phố "điêu đứng" do dịch bệnh thì việc kinh doanh của chị cũng khó khăn theo.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện nghiêm giãn cách để chống dịch COVID-19 nên cửa hàng phải đóng cửa trong gần 1 tháng. Các chính sách hỗ trợ kịp thời của Trung ương và của thành phố trong thời điểm này rất đáng quý, giúp chị tiết kiệm vốn để phục hồi sản xuất - chị Hồ Thị Thương chia sẻ.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Hữu Đạt, Công ty TNHH Thể Thao Đạt Phát, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ cho rằng, việc giảm các loại thuế sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho công ty, nhất là trong thời gian các hoạt động thể thao phải tạm dừng để chống dịch COVID-19. Anh Đạt mong muốn tiếp tục được hưởng những chính sách hỗ trợ từ các cấp chính quyền như miễn giảm thuế, đơn giản hóa các thủ tục về thuế để công ty thuận lợi và an tâm phát triển, phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thêm một số đề xuất, kiến nghị để chính sách hỗ trợ đạt được hiệu quả thực tiễn cao hơn. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khu Du lịch Bắc Mỹ An, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, với biện pháp hỗ trợ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có doanh thu trong năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 thì thực tế nhiều doanh nghiệp không được hỗ trợ gì cả, vì không có doanh thu. Giai đoạn này, các doanh nghiệp mới bắt đầu khôi phục lại sản xuất, kinh doanh nên các chính sách hỗ trợ hiện có cần được áp dụng lâu dài, cho thời kỳ mở cửa hậu COVID-19.

“Các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất... cần được kéo dài tới năm 2022, thậm chí tới năm 2023. Vì khi đó các doanh nghiệp mới khả dĩ hồi phục lại sản xuất, kinh doanh và có lợi nhuận. Bên cạnh đó, để thiết thực phục hồi cho ngành du lịch, Nhà nước cần tăng cường các biện pháp khác như: tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động mất việc, khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách, xây dựng Việt Nam thành điểm đến an toàn trên thế giới...” - ông Nguyễn Đức Quỳnh kiến nghị.

Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 cũng quy định giảm 30% thuế Giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí... Với quy định này, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng nhận xét, thời điểm khó khăn hiện nay, mọi chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp đều rất đáng quý. Vẫn biết rằng các cấp Nhà nước đã có nhiều nghiên cứu trước khi một chính sách được đưa ra, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn muốn được hưởng những chính sách hỗ trợ mang tính “dài hơi” hơn.

Ông Cao Trí Dũng đề xuất, hiện đã là cuối tháng 10, các hoạt động về du lịch, dịch vụ tại thành phố Đà Nẵng mới đang rục rịch mở trở lại. Các tháng 11 và 12 vẫn là hoạt động thí điểm nên cũng chưa thể có nhiều du khách. Vì vậy việc giảm thuế trong 2 tháng cuối năm chưa thật sự có ý nghĩa lớn đối với các doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng kiến nghị kéo dài thời gian hỗ trợ, ít nhất đến hết tháng 6/2022, khi đó mới đánh giá được tình hình du khách quay trở lại và hoạt động du lịch mới bắt đầu khôi phục.

Quốc Dũng (TTXVN)
Đồng Nai: Sớm phục hồi sản xuất phù hợp theo quy mô tỉnh cấp độ 1
Đồng Nai: Sớm phục hồi sản xuất phù hợp theo quy mô tỉnh cấp độ 1

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ, qua đánh giá phân loại cấp độ dịch của tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, đến ngày 14/10, quy mô cấp tỉnh là cấp độ 1 - vùng bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN