Toàn thành phố Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm “ai ở đâu thì ở yên đó” từ ngày 16/8 đến 5/9. Điều này đã mang lại hiệu quả trong việc khống chế dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh thành phố Đà Nẵng đang nới lỏng dần các hoạt động, các hội doanh nghiệp đã có nhiều đề xuất, kiến nghị chính quyền hỗ trợ để khôi phục sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết, ngày 15/9 vừa qua, đơn vị đã gửi 6 nội dung đề xuất, kiến nghị tới chính quyền thành phố Đà Nẵng để có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên.
Các nội dung Hiệp hội đề xuất gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%, khoanh các khoản nợ ngắn hạn hiện có từ 3 - 6 tháng, các khoản nợ trung dài hạn từ 6 - 12 tháng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp, hạ lãi suất và đơn giản các thủ tục cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng; gia hạn nộp thuế từ 12 - 18 tháng; được miễn, giảm các khoản thuế, phí thuê đất, sử dụng hạ tầng. Hiệp hội cũng đề nghị thành phố có chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho đến đầu năm 2022; nới lỏng các biện pháp, hỗ trợ doanh nghiệp quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất...
Ông Hà Đức Hùng nhận định, hiện nay Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhưng việc triển khai tại các ngân hàng còn chưa kịp thời, nhiều thủ tục còn phức tạp, khó khăn, cần tháo gỡ. Ông Hùng đề nghị, bên cạnh việc triển khai các chính sách của Trung ương thì nhiều chính sách về thuế, tiền thuê đất... trong thẩm quyền quyết định của thành phố Đà Nẵng, thành phố xem xét giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng, đơn vị cũng vừa tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên để gửi một số kiến nghị, đề xuất đến chính quyền thành phố Đà Nẵng.
Cụ thể, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh an toàn trong dịch bệnh, các doanh nghiệp hội viên VCCI tại Đà Nẵng đề nghị chính quyền tiếp tục thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chiến lược tiêm phủ vaccine COVID-19, nhằm phủ ít nhất 70% dân số để tiến hành “mở cửa” kinh tế. Bên cạnh đó, có thể vận động các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có cơ chế tương hỗ vaccine giữa công ty mẹ ở nước ngoài với doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng để có thêm nguồn cung vaccine trong thời điểm khó khăn.
Mặt khác, các doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ” đang có nhiều chi phí phát sinh nhưng không thể có hóa đơn, chứng từ như điều kiện bình thường. Do đó, VCCI tại Đà Nẵng đề xuất cơ quan thuế xem xét, hướng dẫn cho doanh nghiệp hạch toán các chi phí phát sinh trong thời gian này, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật khi các cơ quan thực hiện hậu kiểm.
Về việc xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho người lao động, chi nhành VCCI tại Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, quy định lại tần suất xét nghiệm khác nhau đối với từng doanh nghiệp (phụ thuộc vào số lượng người đã tiêm vaccine, khu vực có nguy cơ nhiễm...). Việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí xét nghiệm sau khi người lao động đã tiêm vaccine.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng kiến nghị chính quyền tiếp tục thực hiện, giám sát hiệu quả các chính sách hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi suất; cho vay mới với lãi suất ưu đãi... theo các quy định, chính sách đã được ban hành. Dự đoán tác động tiêu cực của dịch bệnh lên cộng đồng doanh nghiệp còn kéo dài, chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn, vì vậy thành phố cần có đề án hỗ trợ doanh nghiệp dài hơi hơn, có thể là từ 2021-2025...
Theo VCCI Đà Nẵng, trong cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2021, đơn vị đã thực hiện khảo sát trên 140 doanh nghiệp hội viên tại Đà Nẵng về các khó khăn trong thời gian qua. Kết quả, có tới 98,56% doanh nghiệp cho biết dịch COVID-19 có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, có tới 73,38% cho rằng mức độ ảnh hưởng là nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Về hoạt động sản xuất, kinh doanh, chỉ có 56,83% đang duy trì, 41,73% đang phải tạm dừng hoạt động và 1,44% đã giải thể, ngừng hoạt động.