Tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất và tổ hợp tín dụng riêng cho doanh nghiệp
Mới đây nhất, ngân hàng MSB đã cấp vốn cho các doanh nghiệp trong ngành nhựa để hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến máy móc, thiết bị, mở rộng kinh doanh và giao dịch với đối tác nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu - xuất khẩu bán hàng. Cụ thể: MSB triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 5,5%/năm. Đối với khách hàng có nhu cầu về vốn ngắn hạn, MSB đưa ra giải pháp tài trợ đến 3 lần giá trị tài sản bảo đảm, chấp thuận đa dạng tài sản (bất động sản, máy móc thiết bị,...) hoặc giải pháp tài trợ không tài sản bảo đảm lên đến 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động dài hạn có thể lựa chọn gói tài trợ trung dài hạn tới 70% giá trị tài sản đầu tư với thời gian vay tối đa tới 7 năm.
Ngoài ưu đãi lãi suất cho khoản vay, miễn giảm phí dịch vụ, từ nay đến hết ngày 31/12, SCB cung cấp các khoản vay mới (ngắn hạn và trung dài hạn) với mức lãi suất ưu đãi, giảm 0,5% lãi suất cho vay trong 6 tháng đầu. Với các khách hàng tổ chức, doanh nghiệp đang sử dụng tài khoản thanh toán đa lợi, SCB giảm 50% phí chuyển khoản trong và ngoài hệ thống trên Internet Banking và giảm 10% phí thanh toán quốc tế so với mức phí thông thường.
Mới đấy nhất, SCB triển khai "Vay vốn siêu tốc, phát lộc kinh doanh" dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu thuần dưới 25 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng có thể vay đến 10 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 6,99% một năm; có cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghiệp mới thành lập.
Ông Phạm Như Ánh, thành viên Ban điều hành Ngân hàng MB cho biết: Thời gian tới, MB sẽ giải ngân thêm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm khách hàng kinh doanh lúa gạo với mức lãi suất ưu đãi giảm so với các sản phẩm cho vay thông thường từ 0,5 - 1%/năm. Tính đến nay, MB đã giải ngân được khoảng 4.500 tỷ đồng cho khách hàng kinh doanh lúa gạo.
Cùng với đó, MB đang phối hợp chặt chẽ với nhiều khách hàng để đưa công nghệ thanh toán vào các hoạt động nghiệp vụ. "Trên các nền tảng ứng dụng MBBank và Biz MBBank, chúng tôi đang và sẽ hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán thu mua lúa gạo trực tuyến, đảm bảo hạn chế việc tiếp xúc giữa ngân hàng với khách hàng và giữa khách hàng với ngân hàng. Giải pháp này hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng trong bối cảnh xã hội phải thực hiện giãn cách trên diện rộng như hiện nay", lãnh đạo MB chia sẻ.
Để “bơm vốn” cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định: Việt Nam cần phải có một cơ chế đặc thù và một giải pháp mang tính đột phá để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam cần có một tổ hợp tín dụng với số vốn cung cấp cho tất cả thị trường, riêng TP Hồ Chí Minh là 100.000 tỷ đồng và cho cả quốc gia là 300.000 tỷ đồng. Các ngân hàng có thể dùng nguồn vốn CASA - nguồn vốn tiền gửi không kỳ để cho vay với lãi suất thấp, thời hạn cho vay là từ 2 - 5 năm; đồng thời, NHNN phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng chủ trì, xây dựng tổ hợp tín dụng, tạo ra một quy chế đặc thù, yêu cầu tất cả các ngân hàng quốc nội và ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam phải tham gia, chứ không dừng ở câu chuyện khuyến khích.
“Với hạn mức 100.000 tỷ đồng dành cho TP Hồ Chi Minh, chia bình quân cho mỗi khách hàng 5 tỷ đồng, với 100.000 tỷ chúng ta sẽ giúp được khoảng 20.000 doanh nghiệp vượt khó. Không biết con số này có phải muối bỏ bể hay không nhưng cũng giúp được một lượng doanh nghiệp bớt lao đao”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.
Ông Đào Gia Hưng, Giám đốc khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng VPBank cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay, bản thân các doanh nghiệp phải tăng cường đoàn kết, liên kết với nhau trong việc giới thiệu, tìm kiếm bạn hàng, đầu vào, đầu ra để cùng hợp tác vay vốn.
Đề xuất mở rộng hạn mức và linh hoạt phương thức vay vốn
Nhiều doanh nghiệp cho rằng: Nhu cầu của doanh nghiệp hiện nay là mong muốn được ngân hàng đồng hành hoặc trên cơ sở tín nhiệm, ngân hàng có thể mở rộng hạn mức cho vay. Ví dụ, với tài sản bảo đảm trước đây định giá 100 tỷ đồng, thông thường ngân hàng cho vay khoảng 75%, thì nay ngân hàng hiện có thể cho vay tăng lên thành 100% hoặc vượt trên cả tài sản bảo đảm. Thậm chí, nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt thì vẫn có thể cho vay tín chấp mà không cần thế chấp tài sản.
“Thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trên cơ sở quản lý dòng tiền; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng”, ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.
Theo NHNH, mặt bằng lãi suất cho vay hiện giảm khoảng 1%/năm so với năm 2020 và xu hướng giảm này đã tiếp tục trong hơn 6 tháng năm 2021 với mức giảm khoảng 0,55%/năm (tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch).
“Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh COVID-19, đặc biệt trong sản xuất, lưu thông hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nói riêng với thời hạn và lãi suất hợp lý”, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết.
Tính đến ngày 31/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Đây là kết quả khả quan khi dịch COVID-19 liên tục gây bất lợi cho các địa phương suốt hơn 3 tháng qua. Từ nay đến cuối năm 2021, các ngân hàng sẽ phải nỗ lực hỗ trợ cho doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, từ nay đến cuối năm và sang đầu năm 2022, để vừa tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế, NHNN tiếp điều hành tín dụng trọng tâm như: Tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và đặc biệt kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. NHNN cũng sẽ đôn đốc các tổ chức tín dụng trong triển khai Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ tốt hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Đặc biệt, đối với một số lĩnh vực đặc thù như: Hàng không, thủy sản ngành ngân hàng cũng đã có những cơ chế hỗ trợ riêng. Cụ thể, triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đến nay, NHNN đã hoàn thành xong việc tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng để các ngân hàng cho vay VNA.
Sau VNA, ngành ngân hàng cũng đang họp bàn việc cho vay các hãng hàng không tư nhân, mặc dù trước đó các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các hãng hàng không này.
Thời gian qua, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất với tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tính đến ngày 31/8, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến31/8/2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.
Trước đó, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vaccine đại trà và dịch COVID-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6/2021, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vaccine kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10 - 12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%. “Nếu như không có ‘trận quét’ của dịch trong hai tháng qua, tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt khoảng 12%, tuy nhiên tôi hy vọng, dịch kiểm soát tốt trong tháng 9/2201, sang tháng 10/2021, nhu cầu tín dụng tăng lại theo đà phục hồi sản xuất của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.