Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương, hiệp hội tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thời điểm thích hợp để tháo gỡ căn bản các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật.
Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 39/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đảm bảo đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai trên thực tế.
Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đề ra, đẩy nhanh triển khai thực hiện các kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực đã được phê duyệt để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đẩy nhanh xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia để sớm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Đồng thời, sớm hoàn thiện, khai thác hiệu quả Cổng Thông tin quốc gia về doanh nghiệp để tổng hợp, chia sẻ miễn phí thông tin về các chương trình, chính sách, mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng, khoa học. Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Nghị định số 80/2001/NĐ-CP của Chính phủ nhằm đảm bảo đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai trên thực tế; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, bố trí kinh phí ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động hỗ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định.
Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các địa phương rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực tài chính của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương để đảm bảo hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định của Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tiếp tục có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Bộ Tư pháp đẩy nhanh triển khai thực hiện Nghị định số 55/2014/NĐ-CP và Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn tiêu chí công nhận tư vấn viên pháp luật hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa làm cơ sở để các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện công nhận và công bố theo quy định.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn Luật cho phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (ưu tiên bố trí Quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, thủy sản, hải sản tập trung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, thuê đất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo...).
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch thời kỳ 2021-2030 bao gồm quy hoạch tỉnh, thành phố để kịp thời bố trí quỹ đất cho sản xuất, kinh doanh; ưu tiên bố trí nguồn lực để đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nội dung, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được phê duyệt theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ động tìm hiểu, tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, ngành trung ương, các hiệp hội và địa phương để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, trình độ quản trị doanh nghiệp; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của các đối tác lớn, đặc biệt là khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu.
Tích cực tham gia các Hiệp hội doanh nghiệp để tiếp cận thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhà nước cũng như các tổ chức tín dụng. Chủ động tìm hiểu, tham gia các khoá đào tạo, tập huấn để nắm bắt thông tin, tận dụng tối đa lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết (EVFTA, CPTPP, RCEP...) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nguồn cung ứng thay thế trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.