Cảng hàng không: đồng loạt đề nghị tăng phí

Hầu hết các cảng hàng không địa phương càng khai thác càng lỗ, và ba tổng công ty cảng hàng không phải lấy lợi nhuận từ các cảng hàng không quốc tế để bù lỗ.
Lấy quốc tế nuôi nội địa

Theo báo cáo của tổng công ty Cảng hàng không miền Bắc (NAC), tám tháng đầu năm nay, tổng công ty phải bù lỗ cho năm cảng hàng không là Cát Bi (Hải Phòng), Vinh (Nghệ An), Nà Sản (Sơn La), Điện Biên, Đồng Hới (Quảng Bình) hơn 64 tỉ đồng. Dự kiến, con số bù lỗ của cả năm 2011 sẽ cao hơn mức bù lỗ 82 tỉ đồng của cả năm 2010. “Trong số sáu sân bay chúng tôi quản lý thì chỉ có Nội Bài là hoạt động có lãi, còn lại đều lỗ vì có tần suất bay thấp và phí phục vụ thấp hơn chi phí thực tế”, tổng giám đốc NAC Lê Mạnh Hùng than thở. Trong năm sân bay kể trên, Đồng Hới là sân bay lỗ nặng nhất. Trong năm 2010, NAC đã phải bù lỗ cho đơn vị này trên 58 tỉ đồng. Tiếp đó là sân bay Vinh và Điện Biên hơn 9 tỉ đồng. Ông Hùng lưu ý thêm, đấy chỉ tính mức bù lỗ chi phí trực tiếp, chưa bao gồm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ.

Nếu các sân bay nhỏ có tăng tần suất thì khả năng giảm lỗ cũng không nhiều bởi theo tính toán của NAC, hiện chi phí thực tế bình quân 12,8 triệu đồng/chuyến bay, trong khi mức được thu tại các cảng hàng không địa phương mà Nhà nước cho phép thu chỉ bằng 25% mức chi phí. Trên thực tế, NAC phải trích bình quân 9,8 triệu đồng từ lãi của cảng hàng không quốc tế Nội Bài để bù lỗ cho mỗi chuyến bay đi đến các cảng hàng không địa phương do NAC quản lý.

Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) cũng gặp tình trạng doanh thu của các sân bay địa phương không đủ bù đắp chi phí. Ông Nguyễn Nguyên Hùng, chủ tịch hội đồng thành viên SAC cho hay, giá dịch vụ cung cấp cho các chuyến bay nội địa quá thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động. “Ngoài cảng Tân Sơn Nhất, các cảng địa phương còn lại, nếu đầu tư càng nhiều càng làm mất cân đối tài chính của tổng công ty”, ông Hùng nói.

Duy chỉ có các cảng địa phương thuộc tổng công ty Cảng hàng không miền Trung (MAC) đang có mức lỗ giảm so với năm trước. MAC đặt kế hoạch đưa cảng hàng không Pleiku (Gia Lai) tự cân đối thu chi trong năm nay và sang năm 2012 đến lượt cảng Phù Cát (Bình Định). Đại diện MAC thừa nhận, việc giảm lỗ là nhờ nguồn thu của các hoạt động kinh doanh phi hàng không như kinh doanh taxi, bán hàng ăn uống, thu phí xe hơi… mang lại.

Đồng loạt kiến nghị tăng phí

Thứ trưởng bộ Giao thông vận tải kiêm cục trưởng cục Hàng không Việt Nam, ông Phạm Quý Tiêu cho rằng, giá dịch vụ thấp không chỉ khiến sản xuất kinh doanh của các cảng hàng không khó khăn mà còn ảnh hưởng đến khả năng kêu gọi vốn FDI vào đầu tư các sân bay theo quy hoạch đã được duyệt. “Việc điều chỉnh giá dịch vụ hàng không đang là vấn đề cấp bách”, ông Tiêu nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc giữa tân bộ trưởng bộ Giao thông vận tải với cục Hàng không mới đây, các tổng công ty cảng hàng không đều kiến nghị tăng giá dịch vụ hàng không. Lãnh đạo NAC và MAC cùng đề nghị bộ Giao thông vận tải đề xuất với bộ Tài chính điều chỉnh giá các loại hình dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý, nhằm đảm bảo chính sách giá phù hợp chi phí và thị trường, nhất là chính sách giá tại các cảng hàng không địa phương. “Phí phục vụ mặt đất trọn gói với máy bay A320 tại cảng Phù Cát (cảng nhóm B) là 4 triệu đồng/chuyến. Trong khi ở cảng nhóm A, phí dành cho máy bay A320 từ 8 – 9 triệu đồng/chuyến.

Tổng giám đốc công ty Xăng dầu hàng không (Vinapco) Trần Hữu Phúc cũng cho biết, đơn vị này đã kiến nghị tăng giá tra nạp nhiên liệu lên bộ Giao thông vận tải. “Phí tra nạp nhiên liệu được ấn định đã hai năm nay, với sân bay quốc tế Nội Bài hay sân bay Nà Sản đều một mức 750.000 đồng/tấn. Trong khi giá dầu diesel tăng cao khiến phí đường bộ tăng theo, nên Vinapco phải “đập” lợi nhuận từ cung ứng cho Tân Sơn Nhất hay Nội Bài sang cho Cam Ranh, Nà Sản”, ông Phúc nói.

Theo SGTT
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN