'Bêu tên' doanh nghiệp vận tải không giảm giá cước

Ngày 25/1, các đoàn thanh tra Bộ GTVT đã công bố kết quả kiểm tra công tác quản lý giá cước vận tải tại Hải Phòng, Nghệ An, sau khi nhiều doanh nghiệp vận tải trong cả nước đăng ký giảm cước theo giá xăng, nhưng không thực hiện.

43 tỉnh, thành đã giảm giá cước

Liên Bộ GTVT - Tài chính đã phải thành lập các đoàn thanh tra đi kiểm tra, xử lý tại các địa phương. Thanh tra Bộ GTVT cho biết, tính đến ngày 24/1, các doanh nghiệp vận tải tại 43 tỉnh, thành phố đã thực hiện giảm giá cước, với mức giảm từ 1-25% đối với mỗi loại hình vận tải. Như vậy, việc giảm giá cước vẫn tải đã và đang diễn ra trên diện rộng và đều khắp tại các địa phương. Tuy nhiên, vẫn không ít doanh nghiệp biện minh nhiều lý do để chây ì giảm cước hoặc đăng ký nhưng không thực hiện giảm tại một số địa phương.

Sẽ có cơ chế xử lý nghiêm doanh nghiệp chây ì giảm cước. Ảnh: TTXVN.


Qua kiểm tra tại Hải Phòng, thành phố hiện đã có 57/60 doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai, giảm giá cước vận tải lần hai bình quân gần 7% so với trước đây. Trong đó, 100% doanh nghiệp taxi thực hiện giảm giá cước gần 6% so với trước (còn 3 doanh nghiệp chưa kê khai giảm giá cước lần hai).

Tại Nghệ An, đến ngày 24/1 đã có 34/35 doanh nghiệp vận tải kê khai giá cước giảm lần hai từ 5 - 25% (có 1 doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt không có hỗ trợ từ địa phương, giá cước đơn vị đưa ra thấp, tuyến hoạt động khó khăn, nên không kê khai giảm cước). Như vậy, tại hai địa phương này, các doanh nghiệp vận tải chấp hành khá tốt chủ trương giảm cước vận tải theo giá xăng của Bộ GTVT. 

Từ ngày 15/1, Hãng hàng không Việt Nam (VietnamAirline) đã giảm giá vé thêm 5% trên các đường bay kinh tế xã hội cho các hành khách là quân nhân, công nhân viên chức Nhà nước làm việc tại Côn Đảo, Cà Mau, Pleiku đi từ TP Hồ Chí Minh, nâng tổng mức giảm lên 30% hiện nay, tương ứng với mức giá tối đa là 1.085.000 đồng/vé một chiều (so với mức giá tối đa thông thường là 1.550.000 đồng/vé một chiều).

Giá vé đường bay TP Hồ Chí Minh - Cà Mau và Đà Nẵng - Pleiku đều được giảm giá 15% so với giá vé thông thường.

Hãng hàng không Jetstar Pacific và Vietjet Air đều đã thực hiện giảm giá vé trên hầu hết các đường bay từ tháng 5/2014.



Trao đổi về vấn đề này, Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường Bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: Các đoàn thanh tra sẽ tiếp tục rà soát tại các địa phương, nếu phát hiện doanh nghiệp vận tải nào chưa kê khai giảm giá, không thực hiện kê khai giá theo quy định thì sẽ lập danh sách công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết, lựa chọn và tẩy chay.

“Hiện nay, giá cước vận tải đang vận hành theo cơ chế thị trường, biện pháp căn cơ nhất là kiểm tra xem các doanh nghiệp có kê khai đầy đủ các chi phí hình thành nên giá cước hay không. Khi giá xăng dầu giảm đương nhiên giá cước vận tải kê khai phải giảm. Nếu doanh nghiệp nào không giảm tức là kê khai sai, nộp thuế không đủ và cần kiểm tra để xử lý.

Các đoàn thanh tra sẽ tiếp tục công bố kết quả kiểm tra việc giảm giá cước tại Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, để xây dựng cơ chế xử lý nghiêm các doanh nghiệp”, ông Huyện cho biết thêm.

Đảm bảo quyền lợi cho hành khách

Hà Nội là địa bàn trọng điểm của cả nước, với số lượng lớn các doanh nghiệp vận tải hoạt động. Qua tìm hiểu về việc thực hiện kê khai giảm giá cước tại các bến xe của phóng viên, hiện có tới trên 60% doanh nghiệp vận tải phớt lờ giảm giá cước.

Mặc dù lãnh đạo bến xe Giáp Bát đã lập danh sách những hãng xe có nhiều đầu xe chạy tuyến để đề nghị giảm khoảng 10% giá vé như: Công ty Cổ phần vận tải Ninh Bình có 88 đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Ninh Bình/ngày, Công ty Vận tải Ka Long có 3 đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Móng Cái, Quảng Ninh/ngày, Công ty Vận tải Duy Long có 4 đầu xe chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn/ngày, Công ty Vận tải 27/7 Hà Nội có 10 đầu nối chạy Hà Nội - Tuyên Quang, Lạng Sơn/ngày… nhưng các doanh nghiệp này vẫn phớt lờ. “Công ty Cổ phần vận tải Ninh Bình được bến xe yêu cầu giảm giá vé còn 60.000 đồng/lượt so với mức 70.000 đồng/lượt đang áp dụng, nhưng hãng xe này vẫn lập lờ giữ nguyên mức”, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát dẫn chứng.

Trong khi đó, lãnh đạo bến xe Mỹ Đình chia sẻ: Ngoài các doanh nghiệp tự giác đăng ký kê khai giảm giá cước, có nhiều doanh nghiệp đăng ký giảm, nhưng không thực hiện, song cũng không thể cung cấp danh sách các doanh nghiệp này. Vì thực tế, các doanh nghiệp này cho rằng họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, các bến xe không có quyền can thiệp. Muốn chỉ đạo giảm giá cước phải có quyết định của các cơ quan chức năng…

Trước thực tế này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đơn vị chủ trì thực hiện chủ trương thanh tra, kiểm soát giá cước vận tải khẳng định: Các đơn vị không kê khai giá cước vận tải bị phát hiện qua thanh, kiểm tra sẽ bị xử phạt, công bố tên trên các phương tiện thông tin đại chúng, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và bình ổn giá trên thị trường.

Hiện nay, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 40% giá thành vận tải; 60 - 75% giá thành vận tải còn lại là các chi phí khấu hao, sửa chữa, nhân công, quản lý… Do đó, việc tính toán giá cước vận tải sẽ tùy thuộc vào mức biến động của từng yếu tố chi phí đầu vào của mỗi doanh nghiệp vận tải.

Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tính toán, rà soát và có tỷ lệ điều chỉnh giá cước phù hợp với tỷ lệ giảm giá nhiên liệu, cũng như mức biến động của các chi phí đầu vào khác trong hoạt động vận tải. Còn đối với các doanh nghiệp đã kê khai giảm giá cước, cần tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại.

Thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành

Ngày 23/1, Bộ Tài chính cho biết để tiếp tục tăng cường quản lý giá cước vận tải trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thành lập 3 đoàn kiểm tra giá cước vận tải bằng ô tô.

Theo đó, đoàn kiểm tra tại khu vực phía Nam do Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế làm Trưởng đoàn; miền Bắc do Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn, và miền Trung do Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng đoàn.

Các đoàn tập trung kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng taxi và vận tải hành khách chưa kê khai giá cước hoặc kê khai giảm giá cước chưa phù hợp với mức giảm giá xăng dầu để yêu cầu giảm giá cước vận tải phù hợp nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai một đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.

Trước đó, ngày 23/12/2014, căn cứ diễn biến tình hình giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm, Bộ Tài chính đã có Công văn số 18757/BTC-QLG gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý giá cước vận tải.

Ngay trong tháng 1/2015, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 2 đợt vào ngày 6/1/2015 và ngày 21/1/2015, Bộ Tài chính tiếp tục có Công văn số 931/BTC-QLG ngày 21/1/2015 gửi Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GTVT, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý giá cước vận tải bằng ô tô, trong đó chú trọng việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá cước vận tải ô tô trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Thùy Dương


Tiến Hiếu

Giảm cước vận tải để làm  cơ sở giảm giá hàng hóa
Giảm cước vận tải để làm cơ sở giảm giá hàng hóa

Giá xăng đã giảm liên tiếp kể từ thời điểm cuối tháng 7/2014 với tổng mức giảm lên đến 10.000 đồng/lít. Song thực tế cho thấy, giá cả hàng hóa vẫn không chịu tác động của đợt giảm giá mạnh này; giá cước vận tải chưa giảm tương ứng hoặc chỉ giảm lấy lệ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN