Agribank cùng khách hàng khắc phục hậu quả thiên tai

Bằng nhiều giải pháp kịp thời, Agribank đã hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn, giúp các khách hàng bị ảnh hưởng do thiên tai vượt qua khó khăn, khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Hành động vì khách hàng


Ngay sau khi cơn bão số 10 vừa đi qua, Agribank đã thực hiện các chính sách hỗ trợ khách hàng đang vay vốn bị thiệt hại tại các địa phương Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Hòa Bình. Theo đó, Agribank chỉ đạo các chi nhánh chủ động áp dụng biện pháp miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện cho vay mới để khôi phục sản xuất sau lũ đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất khả thi; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ...

Agribank tiếp tục đầu tư vốn để khách hàng trồng cà phê khôi phục hoạt động sản xuất, tạo nguồn trả nợ.

Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các sở, ban, ngành tại các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, sớm phục hồi sản xuất. Thời gian tới, Agribank cũng sẽ ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 10.


Với dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn đạt trên 70% tổng dư nợ, chiếm 51% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng, Agribank luôn mong muốn kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng người dân tại các địa phương, giúp khách hàng bị thiệt hại bởi thiên tai gây ra sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.


Trước đó, trong sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, Agribank là tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng hàng đầu. Với tổng dư nợ cho vay hơn 27.000 tỷ đồng, các chi nhánh của Agribank trên địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là những đơn vị bị tổn thất lớn. Tuy chịu nhiều thiệt hại, song ngay lập tức Agribank đã ban hành các chính sách hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống. 


Cụ thể, Agribank quyết định miễn 1 tháng tiền lãi vay của ngư dân, dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Agribank ưu tiên vốn 500 tỷ đồng dành cho khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới với lãi suất cho vay ngắn hạn là 6%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn là 8%/năm; đối với trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, Agribank sẽ xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ…


Đồng thời, Agribank ủng hộ 100 tấn gạo và 20 tỷ đồng đối với 4 địa phương nêu trên, trong đó Agribank chi nhánh mỗi tỉnh ủng hộ 25 tấn gạo và 5 tỷ đồng. Đây là số tiền trích từ ngày lương do cán bộ công nhân viên chức toàn hệ thống đóng góp ủng hộ cho bà con ngư dân vùng bị thiệt hại.


Tại địa bàn Tây Nguyên, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương đang bị tác động nghiêm trọng bởi tình trạng hạn hán kéo dài. Agribank chi nhánh Chư Pưh đã tích cực phối hợp với tổ vay vốn, các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương theo dõi nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin thiệt hại do hạn hán trên địa bàn, xem xét thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đầu tư vốn để người dân khôi phục hoạt động sản xuất. Hiện nay, Agribank chi nhánh Chư Pưh đang là đơn vị đầu tư chủ lực cho thị trường nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn…


Trong nhiều năm qua, cán bộ viên chức Agribank đã đóng góp vào công tác an sinh xã hội trong cả nước với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, góp phần ổn định xã hội và phát triển đất nước. Số tiền đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội đều tăng mạnh qua các năm, tính từ khi thành lập cho đến nay, tổng số tiền Agribank đóng góp vào các quỹ từ thiện và an sinh xã hội lên tới hơn 2.500 tỷ đồng…


Do thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, nhất là với khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ... Agribank đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét sửa đổi Thông tư 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 10/2015/TT-NHNN, Nghị định 55/2015/NĐ-CP theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ vượt quá một lần và/hoặc miễn, giảm lãi, phí được giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng vay vốn sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do gặp hơn một lần thiên tai bất khả kháng.


Khẳng định khách hàng ở vị trí trung tâm


Với mong muốn đem đến cho khách hàng sự hài lòng khi lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, Agribank đã thành lập Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng. Qua đó trực tiếp thực hiện chăm sóc, hỗ trợ khách hàng; giới thiệu, tư vấn sản phẩm dịch vụ; tham gia nghiên cứu khảo sát thị trường; quảng bá các chương trình khuyến mại, marketing của Agribank thông qua các kênh của Trung tâm. Trung tâm luôn sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của khách hàng liên tục vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, bao gồm cả các ngày nghỉ, lễ, Tết. Khách hàng liên hệ với Tổng đài 1900558818 sẽ được tư vấn, trợ giúp về việc sử dụng các dịch vụ của Agribank.


Với khoảng 16 triệu khách hàng sử dụng trên 200 sản phẩm, dịch vu, việc Agribank đưa vào hoạt động Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ khách hàng đã khẳng định sự cố gắng, phấn đấu để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng, vì mục tiêu là sự hài lòng của khách hàng; hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả.


Gần 30 năm phát triển, giữ vai trò chủ lực trên thị trường tín dụng “tam nông”, Agribank đã và đang khẳng định được tầm quan trọng của một tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ người dân khu vực nông thôn, người nghèo, người có thu nhập thấp, người không may mắn gặp phải thiên tai, hoạn nạn,… được tiếp cận các dịch vụ tài chính thuận tiện, thể hiện vai trò quan trọng đối với thành công chung của công cuộc an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, góp phần mang đến diện mạo đổi thay cho khu vực nông thôn tại Việt Nam.

Đến 30/9/2017, Agribank có nguồn vốn huy động đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tiền gửi dân cư chiếm tỷ trọng 82%; tổng dư nợ đạt 813 ngàn tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng mạnh, chiếm tỷ trọng 73,9% tổng dư nợ.


Đăng Giới/Báo Tin Tức
 '1 chạm' với ứng dụng  E-Mobile Banking của Agribank
'1 chạm' với ứng dụng E-Mobile Banking của Agribank

Với mong muốn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại cho khách hàng các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, Agribank chính thức giới thiệu phiên bản ứng dụng E-Mobile Banking mới với các tính năng vượt trội trong quản lý dịch vụ thẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN