Trong tuyên bố ngày 4/8, đại diện WhatsApp nêu rõ tính năng mới này sẽ giúp người sử dụng ứng dụng có thể xác định được những tin nhắn đã được chuyển tiếp nhiều lần với việc các tin nhắn được chuyển tiếp sẽ được đánh dấu bằng một mũi tên kép.
Đi kèm với nhận biết này là một thông báo khi người dùng chuyển tiếp (forward) tin nhắn đó. Ngoài ra, với các tin nhắn có nội dung dài, phần hiển thị nội dung sẽ giới hạn và người dùng sẽ phải "chạm vào" để xem toàn bộ nội dung tin nhắn. Những dấu hiệu nhận biết và thông báo trên là nhằm lưu ý người sử dụng có trách nhiệm hơn khi tiếp nhận và xử lý tin nhắn nhận được.
Theo yêu cầu của Chính phủ Ấn Độ, trước đây, WhatsApp đã thực hiện một số bước để kiểm soát việc lan truyền tin nhắn và tin đồn giả mạo tại nước này. Năm ngoái, riêng với người dùng ở Ấn Độ, một tài khoản chỉ được chuyển tiếp một tin nhắn tối đa 5 lần, sau đó tính năng chuyển tiếp sẽ bị vô hiệu hóa để ngăn chặn nạn tung tin sai sự thật và các tin đồn thất thiệt.
Giải thích về điều này, WhatsApp cho biết Ấn Độ là quốc gia có số lượng người dùng ứng dụng này lớn nhất thế giới với hơn 200 triệu tài khoản hoạt động. Với lượng người dùng khổng lồ, ứng dụng cũng trở thành công cụ truyền bá tin tức giả mạo và gây ra nhiều vụ việc nghiêm trọng tại Ấn Độ khi nhiều thông tin thất thiệt được chuyển tiếp qua WhatsApp và các nền tảng truyền thông xã hội khác đã kích động dẫn đến bạo lực trong cộng đồng.
Với tổng số 1,5 tỷ người dùng, WhatsApp được đánh giá là một công cụ liên lạc quan trọng tại nhiều nơi trên thế giới. Ứng dụng này được Facebook mua lại năm 2014 trong một thương vụ trị giá 19 tỷ USD.