Đây là hội thảo đầu tiên về lĩnh vực điện toán đám mây được tổ chức giới thiệu đến các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tham dự hội thảo có trên 60 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Xuân Quế, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viettel-CHT (đơn vị cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thuộc Tập đoàn Viettel), cho biết: Việc ứng dụng điện toán đám mây có nhiều lợi ích, đặc biệt trong việc giảm chi phí và tăng hiệu quả sử dụng.
Trước đây, việc sử dụng hạ tầng máy chủ vật lý sẽ khó tối ưu về mặt hiệu suất sử dụng hạ tầng. Ví dụ như: nhiều hệ thống máy chủ của một số đơn vị, doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng quá tải (sử dụng 100% công suất máy chủ), làm ảnh hưởng tới dịch vụ và khách hàng. Trong khi đó, lại có những hệ thống máy chủ chỉ sử dụng 20 - 30% hiệu suất máy chủ là rất lãng phí. Khi chuyển sang hạ tầng điện toán đám mây, tài nguyên được cấp phát và nâng cấp theo nhu cầu sử dụng thực, tiết kiệm hơn nhiều so với sử dụng hạ tầng máy chủ vật lý.
Lợi ích quan trọng nhất của dịch vụ Cloud (đám mây) chính là thời gian triển khai nhanh chóng. Nếu đầu tư máy chủ vật lý, thời gian mua sắm sẽ mất nhiều từ lắp đặt cho tới triển khai ứng dụng còn với hạ tầng Cloud có thể triển khai tự động trong thời gian rất ngắn sẽ tiết kiệm rất nhiều về chi phí, nguồn lực...
Cũng theo ông Lê Xuân Quế, Hải Dương là một tỉnh tập trung nhiều doanh nghiệp với nhu cầu về công nghệ thông tin và quản lý lớn, qua hội thảo này, Viettel hy vọng sẽ cung cấp thêm những lựa chọn công nghệ hiện đại cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
Ông Lê Hồng Phong, Giám đốc phụ trách khách hàng, doanh nghiệp của Viettel Hải Dương, cho biết: Hiện Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh với UBND tỉnh Hải Dương. Viettel sẽ cung cấp hệ thống quản lý văn bản đến cấp xã, xây dựng tuyến xe buýt thông minh, cổng thông tin điện tử… và đặc biệt là hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông của thành phố Hải Dương.
Với hệ thống camera và ứng dụng điện toán đám mây, mọi dữ liệu từ các camera được đưa lên và lưu giữ ở Viettel Cloud, sẽ dễ dàng trích xuất để hỗ trợ các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Trước đây khi chưa có Viettel Cloud, dữ liệu đều lưu trên server của các đơn vị cung cấp ngoài nước, từ đó sẽ không đảm bảo về vấn đề bảo mật dữ liệu.
Ông Đào Việt Hùng, Giám đốc sản phẩm Viettel Cloud, chia sẻ: Hiện trạng hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập như: các phòng máy không đạt tiêu chuẩn trung tâm dữ liệu; hệ thống công nghệ thông tin không tập trung, rời rạc, phân tán; không đảm bảo an toàn thông tin và đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin còn yếu và thiếu. Với cơ sở hạ tầng như vậy, hệ thống thường xuyên đối mặt với rủi ro, khó quản lý, vận hành, dễ bị thất thoát dữ liệu và không sẵn sàng hoạt động liên tục 24/7.
Vì vậy, với việc cung cấp ứng dụng điện toán đám mây, Viettel mong muốn sẽ tạo được hạ tầng 4.0 cho Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh dữ liệu thông tin mạng, tiết kiệm chi phí và thời gian cũng như nhân lực cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Viettel đã giới thiệu nhiều giải pháp phù hợp với nhu cầu công nghệ thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp tại đây, bao gồm: hạ tầng trung tâm dữ liệu và các dịch vụ điện toán đám mây như máy chủ ảo dùng riêng Private Cloud, máy tính ảo Cloud PC, giải pháp giám sát thông minh Cloud Camera… Các chuyên gia của Viettel cũng đưa ra các giải pháp, ứng dụng phục vụ công tác quản lý tại tổ chức, doanh nghiệp mới của Viettel như: Moffice, mCC (Mobile Contact Center), DMS One…
Theo kết quả khảo sát nhanh của Viettel tại hội thảo, có 72% doanh nghiệp tham dự thấy rằng các ứng dụng điện toán đám mây có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nhân sự và thời gian triển khai hơn nhiều so với mô hình truyền thống; hơn 35% doanh nghiệp dự định sẽ chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình điện toán đám mây để bắt kịp xu thế công nghệ tại Việt Nam.