World Wide Web đã được nhà khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee phát minh cách đây 30 năm, mở đường cho mạng lưới internet ngày nay.
Cuộc đấu giá sẽ kéo dài trong một tuần và người mua có thể sở hữu phiên bản hình động của mã nguồn gần 10.000 dòng và một bức thư của nhà khoa học Tim Berners-Lee.
Bà Cassandra Hatton - Phó Chủ tịch Sotheby's cho biết tác phẩm NFT về mã nguồn World Wide Web thực sự độc nhất vô nhị vì tầm quan trọng của việc khai sinh ra internet được con người sử dụng rộng rãi như hiện nay. Bà nhận định: "Nó thay đổi mọi khía cạnh của đời sống con người”.
Năm 1989, ông Tim Berners-Lee - khi đó là một nhân viên làm việc tại Trung tâm dữ liệu CERN, nay là Cơ quan châu Âu về nghiên cứu hạt nhân ở Geneva (Thụy Sĩ) - đã hình dung về một hệ thống chia sẻ thông tin, cho phép các nhà khoa học có thể truy cập dữ liệu chung từ bất kỳ nơi nào của thế giới. Đến năm 1990-1991, ông viết chương trình tạo ra trình duyệt internet đầu tiên, thiết lập các nền tảng thực tiễn cho internet ngày nay. Trong quá trình này, ông cũng phát minh ra URL (địa chỉ internet), HTTP (cho phép người dùng tìm một website) và HTML (ngôn ngữ mã hóa tiêu chuẩn để tạo ra các website).
NFT là tên gọi tắt của một sản phẩm kỹ thuật số như bức tranh, bức ảnh, những hình ảnh động hay một bản nhạc hoặc video, được chứng thực dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) - công nghệ đã tạo nên tiền điện tử. NFT là loại tài sản mang tính độc nhất, không thể thay thế, không thể sao chép hay làm giả. Các NFT có giá trị sở hữu được ghi nhận, đảm bảo tính sở hữu và nguyên gốc của tác phẩm, khác với hầu hết những tác phẩm khác có thể được chia sẻ rộng rãi trên internet và dễ dàng sao chép. Việc trao đổi các NFT đang được thực hiện với tiền điện tử bitcoin trên các trang web đặc biệt, với giá trị giao dịch lên tới vài trăm triệu USD/tháng.