Trong vụ kiện thứ nhất, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) yêu cầu Facebook thoái vốn đối với Instagram và WhatsApp trong nhóm ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook.
Giám đốc Cục Cạnh tranh của FTC Ian Conner cho rằng các hành động của Facebook nhằm duy trì thế độc quyền của mạng xã hội này, khiến người tiêu dùng không được hưởng lợi từ cạnh tranh. Mục tiêu của FTC là ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh của Facebook và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như cạnh tranh tự do.
Vụ kiện thứ hai do liên minh các cơ quan chống độc quyền từ 48 bang và vùng lãnh thổ Mỹ tiến hành.
Tổng Chưởng lý bang New York Letitia James, người đứng đầu liên minh này, nhấn mạnh: "Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng ưu thế và sự độc quyền để loại bỏ các đối thủ và dập tắt cạnh tranh, bất chấp lợi ích của người dùng".
Cả hai vụ kiện đều cáo buộc Facebook chấm dứt cạnh tranh thông qua việc mua lại ứng dụng Instagram vào năm 2012 và WhatsApp năm 2014. Hai ứng dụng đang ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong mô hình kinh doanh của Facebook và được tích hợp vào công nghệ của hãng.
Về phần mình, Facebook đã bác bỏ cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền. Luật sư trưởng của Facebook, bà Jennifer Newstead nhấn mạnh "mục đích của luật chống độc quyền là bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sáng tạo, không phải để phạt các doanh nghiệp thành công".
Theo bà Newstead, Instagram và WhatsApp đã trở thành những sản phẩm tuyệt vời như ngày nay là do Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD, nhiều năm đổi mới và tăng cường chuyên môn, để phát triển các tính năng mới và đem đến trải nghiệm tốt hơn cho hàng triệu người dùng. Bà nhấn mạnh những thỏa thuận này đã được FTC thông qua cách đây nhiều năm.
Một số nhà phân tích cho rằng các vụ kiện chống độc quyền này rất khó chứng minh Facebook gây tổn hại người tiêu dùng vì các dịch vụ của hãng phần lớn đều miễn phí.
Trước đó, FTC tuyên bố sẽ xem xét các thỏa thuận thu mua của 5 hãng công nghệ lớn trong một thập kỷ qua, mở ra khả năng tiến hành hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền. Cụ thể, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ đánh giá các thỏa thuận của Amazon, Apple, Facebook, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google) kể từ năm 2010 trong bối cảnh ngày càng có nhiều khiếu nại về việc các nền tảng công nghệ đang chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt.
Tháng 10 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Alphabet độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. 11 bang của Mỹ (gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas) tham gia vụ kiện này. Đây được xem là vụ kiện độc quyền lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.