Báo cáo sơ kết của Bộ TTTT, 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu viễn thông phát sinh ước đạt 213.355 tỷ đồng (không tính phần kinh doanh của Viettel ở nước ngoài), bằng 47,41% so với kế hoạch năm 2017. Tiếp tục có sự dịch chuyển từ dịch vụ 2G sang 3G,số thuê bao 3G tiếp tục tăng.
Khách hàng đến giao dịch đăng ký sim số điện thoại mới tại Trung tâm kinh doanh VNPT Vinaphone Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN |
Tính đến hết tháng 6, số thuê bao 2G khoảng 68,8 triệu, số thuê bao 3G khoảng 54,2 triệu. Điện thoại cố định tiếp tục giảm chậm, tổng số thuê bao điện thoại hơn 130 triệu, trong đó có 7,3 triệu thuê bao cố định. Số lượng thuê bao Internet băng rộng có dây tiếp tục tăng, hiện có hơn 10,11 triệu thuê bao.
Bộ đã thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống kỹ thuật, dịch vụ (Hệ thông DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet trong nước VNIX, hệ thống quản lý, cấp phát tài nguyên Internet) đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn và hiệu quả, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng nào. Tính đến ngày 30/6/2017, tổng truy vấn tên miền trên toàn hệ thống DNS quốc gia là 72.736.956.416 truy vấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Hệ thống VNIX chính thức kết nối IPv6, cùng với mạng DNS quốc gia, mạng của các SIP, VNIX trở thành nhân tố chính hình thành lên mạng IPv6 quốc gia theo đúng lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia, hiện đã có thành viên. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 31 đơn vị cung cấp dịch vụ đăng ký duy trì tên miền quốc tế, có 236.773 tên miền quốc tế do đơn vị phụ trách, trong đó có 158.367 tên miền được chủ thể báo cáo về việc sử dụng tên miền quốc tế trên Website thongbao tenmien.vn.
Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 6 tháng đầu năm ước đạt 31,34 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, công nghiệp phần cứng chiếm trên 91%.
Điện tử, máy tính và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 7,59tỷ USD,tăng12,36%so với cùng kỳ năm 2016.
Để có được những kết quả khả quan này, là nhờ việc Bộ TTTT đã phát huy hiệu quả vai trò quản lý, điều hành của mình trong mị lĩnh vực. Bộ đã tăng cường công tác quản lý thuê bao di động trả trước, giá cước chuyển vùng quốc tế chiều đến Việt Nam.Tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 49/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Bộ cũng đã tổ chức Lễ ký cam kết phối hợp, tăng cường ngăn chặn tin nhắn rác giữa các doanh nghiệp viễn thông di động; xây dựng, hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi mã mạng (chuyển đổi số thuê bao 11 số sang 10 số) và danh mục mã, số viễn thông được đấu giá; quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số thuê bao; hoàn thành chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định toàn quốc.
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị quản lý chặt chẽ về giá cước và khuyến mại của các doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đổi mới phương thức quản lý giá cước dịch vụ viễn thông (từ ngày 1/6/2017, các doanh nghiệp viễn thông tự quyết định giá cước gọi quốc tế). Tăng cườngcông tác quản lý về chất lượng dịch vụ và hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương.Yêu cầucác doanh nghiệp viễn thông xây dựng phương án trao đổi dung lượng cáp quang biển trong trường hợp có sự cố đứt cáp để đảm bảo chất lượng kết nối đi quốc tế của Việt Nam.Tiếp tục thực hiện thanh tra về giá cước khuyến mại và việc sử dụng kho số viễn thông tại 05 doanh nghiệp gồm: VNPT, Viettel, MobiFone, Vietnamobile và Gtel.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã ban hành danh sách các tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được ưu tiên bảo vệ; hoàn thiện triển khai các hệ thống kỹ thuật phục vụ cho công tác hỗ trợ người sử dụng tên miền “.vn”. Triển khai kế hoạch thúc đẩy phát triển IPv6. Tổ chức Hội thảo “IPv6 và Internet of Things”, Diễn đàn Công nghệ Internet khu vực Châu Á-Thái Bình Dương - APRICOT 2017 và kỳ họp lần thứ 71 Hiệp hội các cơ quan quản lý tên miền cấp cao mã quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Nghiên cứu, đề xuất các nội dung về quản lý, đăng ký, sử dụng tên miền chung mới cấp cao nhất (New gTLD) tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Thực hiện giai đoạn 2 Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đến năm 2020, Bộ đã xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; phê duyệt kế hoạch chuyển đổi kênh tần số truyền hình mặt đất băng tần UHF (470-806) MHz giai đoạn 2017-2020;thực hiện xác định vùng hỗ trợ đầu thu vệ tinh đối với các tỉnh miền núi, hải đảo có trạm phát lại truyền hình tương tự. Nghiên cứu, xác định địa bàn hỗ trợ đầu thu DVB-T2 bị ảnh hưởng khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang từ ngày 31/12/2017; triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu thu; tiếp tục thông tin, tuyên truyền về Đề án.
Trong kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm, Bộ TTTT sẽ tập trung hoàn thiện chính sách quản lý thuê bao di động trả trước, thúc đẩy phát triển thuê bao di động trả sau và quản lý cạnh tranh hiệu quả trong lĩnh vực viễn thông. Đồng thời xây dựng và thực thi các giải pháp hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường trong lĩnh vực giá cước khuyến mại dịch vụ viễn thông, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động nhằm tạo dựng và duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, bền vững. Hoàn thành tốt kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.
Chỉ đạo đảm bảo mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định; thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng đến năm 2020; Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020. Đẩy nhanh việc phát triển cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tạo điều kiện thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển. Tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BTTTT ngày 15/01/2016 về tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất và Chỉ thị số 11/CT-BTTTT ngày 18/3/2016 về tăng cường bảo vệ bí mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ và ngăn chặn việc mua bán, lưu thông SIM di động sai quy định. Đẩy mạnh quản lý cạnh tranh, khuyến mại, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng.
Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra về phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ý kiến doanh nghiệp tại hội nghị sơ kết:
Đại diện VNPT: Lợi nhuận toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm đạt 2.390 tỷ đồng, đạt 54,5% kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu tập đoàn đạt 68.000 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch năm và bằng 106% so với với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các dịch vụ viễn thông của VNPT đều đạt mức tăng trưởng tốt, trong đó, so với cùng kỳ dịch vụ di động đạt 109,3%, dịch vụ băng rộng đạt 120,7%, dịch vụ CNTT đạt 106,7%. Chỉ có 2 dịch vụ là MyTV và dịch vụ cố định là giảm so với cùng kỳ.
Liên quan tới công tác chặn tin rác, trong tháng 6/2017, VNPT đã chặn hơn 221.000 tin nhắn rác, trung bình mỗi ngày khoảng 7.300 tin nhắn bị chặn, tổng số thuê bao bị chặn là 2.200 thuê bao, tương đương 74 thuê bao/ ngày. Tỷ lệ tin nhắn rác bị chặn đạt 90%.
Đại diện Viettel: 6 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn là 117.714 tỷ đồng, đạt 48,7% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn là 21.470 tỷ, tổng nộp ngân sách Nhà nước là 19.956 tỷ, đạt 48,7% kế hoạch năm. Tổng số thuê bao của Viettel trên toàn cầu hiện nay gần xấp xỉ 100 triệu, trong đó trong nước là 61 triệu và nước ngoài là hơn 30 triệu. Để phát triển hạ tầng mạng lưới, hiện tại, Viettel có cơ sở hạ tầng mạng lưới hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh, với 350.000km cáp quang, 5 đường trục quốc gia, 6 đường trục quốc tế (4 tuyến biển và 2 tuyến đất liền). Số vị trí trạm 2G là 25.000 trạm , 3G là 35.000 trạm, 4G là 36.000 trạm.
Về lĩnh vực viễn thông đã tổ chức thành công khai trương dịch vụ 4G và Viettel là nhà mạng đầu tiên khai trương mạng 4G rộng khắp. Đã chính thức nhận giấy phép kinh doanh tại thị trường Mianmar và hiện nay tập trung triển khai hạ tầng tại Miammar, dự kiến cuối năm nay hoặc nửa đầu quý I năm 2018 sẽ khai trương dịch vụ tại đây.
Về lĩnh vực CNTT tiếp tục đẩy mạnh đưa ứng dụng CNTT vào các hoạt động, bao gồm cả tham gia với các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, như phối hợp Bộ Y tế khai trương hệ thống tiêm chủng Quốc gia, phối hợp Bộ GD-ĐT khai trương hệ thống thi quốc gia…