Nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Asia/Pacific đã có những cuộc khảo sát về thị trường smartphone không chính hãng nhằm cung cấp một cái nhìn rõ hơn về thị trường smartphone không chính thức ở Châu Á/Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Việt Nam lại là nước cung cấp ra thị trường một số lượng lớn smartphone không chính hãng.
Smartphone không chính hãng chiếm 24% về giá trị của tổng thị trường smartphone. |
Kết quả từ báo cáo cho thấy, smartphone không chính hãng chiếm 24% về giá trị của tổng thị trường smartphone tại Việt Nam. Đây là kết quả từ sức cầu lớn mong muốn sở hữu thương hiệu smartphone cao cấp cũng như các công nghệ mới nhất. Xu hướng này đã gây ra sự gia tăng số lượng nhập và bán smartphone không chính thức từ các nước như Mỹ, Hong Kong (Trung Quốc) hoặc trung tâm quốc tế gần Việt Nam như Singapore, vì những nước này bán các dòng điện thoại mới trước thị trường Việt Nam.
Ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường thuộc nhóm Nghiên cứu thiết bị người dùng của IDC Việt Nam, nhận xét: "Sự gia tăng của các thiết bị cầm tay thông minh của người tiêu dùng đã tạo cơ hội cho các nhà phân phối và nhà nhập khẩu chấp nhận rủi ro pháp lý để đánh đổi lấy những lợi ích khác là hàng nhập khẩu không chính thức. Tuy nhiên, về lâu dài sự trưởng thành của thị trường và sự thực thi mạnh mẽ của pháp luật sẽ giúp làm chậm tốc độ nhập khẩu và tạo một sân chơi bình đẳng hơn cho tất cả”.
Theo kết quả khảo sát hằng quý về thị trường điện thoại châu Á/Thái Bình Dương của IDC, Việt Nam nằm trong danh sách các nước ASEAN với tốc độ tăng trưởng smartphone cao nhất. Chỉ tính riêng năm 2014, tổng số lượng smartphone được phân phối tại Việt Nam đạt 11,6 triệu chiếc, đạt tốc độ tăng trưởng 57% so với năm 2013. Theo đó, smartphone chiếm tỉ lệ 41% trong tổng số điện thoại di động tại Việt Nam và năm 2015, dự kiến sẽ làm lu mờ dòng điện thoại phổ thông (feature phone).
Hải Yên